• Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Lịch sử phát triển

Phần thứ nhất. CÁC TRƯỜNG SƯ PHẠM GIAI ĐOẠN 1956 -1994

Cách mạng Tháng tám, đất nước ta từ một lãnh thổ không có tên bản đồ thế giới trở thành một đất nước độc lập, tự do. Nhân dân cả nước đang tưng bừng xây dựng cuộc sống của mình thì thực dân Pháp lại dã tâm xâm lược nước ta lần thứ hai.

Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, người dân cả nước nói chung và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình nói riêng lại dốc sức cho cuộc kháng chiến trường kì và anh dũng của dân tộc.

Năm 1954, chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, đem lại hòa bình cho đất nước. Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình hân hoan đón mừng chiến thắng và bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới.

Hòa Bình lập lại, bắt tay vào xây dựng đất nước sau 9 năm chiến tranh, song song với nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế, giáo dục Hòa Bình cũng được quan tâm và đẩy mạnh. Bên cạnh các trường lớp đã có như trường Hoàng Văn Thụ, trường Lý Tự Trọng (TP Hòa Bình), trường Vụ Bản ( Lạc Sơn ), trường Lạc Long Quân ( Lạc Thủy) thu hút hàng trăm học sinh đến học thì tại các bản Mường, mặc dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn vẫn tổ chức các lớp Bình dân học vụ. Các thầy cô giáo và cả những người biết chữ lặn lội đến từng thôn, xóm, bản Mường để dạy chữ cho con em các dân tộc trong tỉnh.

Nhu cầu học tập của con em các dân tộc Hòa Bình ngày càng cao, đội ngũ các thầy cô giáo vô cùng thiếu. Tại thời điểm đó, số đô các thầy giáo, cô giáo trên địa bàn tỉnh là các thanh niên tốt nghiệp các trường Sư Phạm Liên khu III. Liên khu IV, các thầy giáo quê ở Hà Đông, Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nội, Ninh Bình, Nghệ An… tình nguyện lên Hòa Bình dạy học.

Thời kì này, giáo viên là người địa phương rất ít. Mục tiêu của ngành giáo dục tỉnh là phải có các thầy cô giáo người địa phương phục vụ lâu dài cho tỉnh Hòa Bình. Trước tình hình đó, được sự chỉ đạo của Trung ương, Bộ Giáo dục, sự giúp đỡ của trường Sư Phạm Liên khu III, ngày 10 tháng 10 năm 1956 trường Sư phạm Sơ cấp Hòa Bình ra đời.

Kể từ năm 1956 đến 1994, trên mảnh đất Hòa Bình thân yêu của chúng ta đã có các trường Sư phạm :

+ Trường Sư phạm Sơ cấp, sau là trường THSP cấp I (1956 – 1994)

+ Trường Sư phạm cấp II, sau là trường 10+3 (1960 – 1981)

+ Trường Sư phạm Bồi dưỡng (1966 – 1971)

+ Tường Sư phạm Sơ cấp cô  nuôi dạy trẻ  (1972 – 1994)

+ Các trường Sư phạm  bồi dưỡng văn hóa Lê Hồng Phong, trường sư phạm cấp tốc Mai Châu, Trường Sư phạm cấp tốc Đà Bắc.

+ Trường CĐSP Hòa Bình là hội tụ của các trường sư phạm trên ( 1995 – nay)

I. TỪ TRƯỜNG SƯ PHẠM SƠ CẤP ĐẾN TRƯỜNG THSP CẤP I ( 1956-1994)

1. Thời kỳ 1956-1960

Trong bối cảnh hai năm miền Bắc khôi phục sản xuất, hàn gắn vết thương sau chiến tranh, phát triển kinh tế văn hóa (1954-1956), ngày 10 tháng10 năm 1956 trường Sư phạm Sơ cấp Hòa Bình ra đời.

Ngược dòng thời gian trở về những ngày tháng lịch sử đáng ghi nhớ 60 năm về trước, nhân dân các dân tộc Hòa Bình cũng như nhân dân miền Bắc nói chung được sống trong những ngày hòa bình, độc lập, đang nô nức khai hoang vỡ đất, phá bỏ đồn bốt địch, gỡ mìn, xóa bỏ dây thép gai…, khôi phục sản xuất, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới dân chủ, tự do, hạnh phúc, Sớm sớm, bản Mường rộn lên tiếng chân từng đoàn người tay cày, tay cuốc, rầm rập vỡ hoang trồng sắn, gieo hạt, cấy lúa, trẻ em lảnh lót tiếng nói cười, tay sách, tay cặp đến trường làng. Bên cạnh những cánh đồng lúa mượt mà của Bi, Vang, Thàng, Động, bên cạnh những nương sắn xanh rờn nhấp nhô chạy dài khắp các ngả đường đồi núi các Châu Mai Đà, Lạc Sơn, Kim Bôi, Lạc Thủy, Kỳ Sơn, Lương Sơn,.. thấp thoáng những mái trường tiểu học mà cột kèo là cây rừng, vách là nứa thưng, bàn ghế là tre, bương ghép, mái là những lớp tranh còn thơm mùi cây cỏ.

Cả một vùng rừng núi Sông Đà hùng vĩ nên thơ của một thời rực rỡ - nền văn hóa Hòa Bình nổi tiếng trong và ngoài nước – phút chốc bừng tỉnh, vươn mình bước vào một kỉ nguyên mới - kỉ nguyên của Chủ nghĩa xã hội.

Trong bối cảnh ấy, trên đỉnh dốc Chăm, dưới vòm lá xanh của cây đac cổ thụ ven đường quốc lộ 6 (nhà máy cơ khí 3/2 bây giờ), những tiết học đầu tiên của 3 lớp sư phạm 4+3 tháng của trường Sư phạm Sơ cấp Hòa Bình bắt đầu.

Ngày ấy, 3 thầy giáo và 40 giáo sinh, với hai bàn tay trắng và một tấm lòng vì thế hệ trẻ cộng với sự nhiệt tình, hồ hởi, nhờ vào sức dân, ba lớp học tranh, tre, nứa, lá được dựng lên. Nơi ở của các thầy giáo và giáo sinh là nhà dân. Khó khăn chồng chất: không chương trình, không tài liệu, không phương tiện dạy học, với một vốn kiến thức không nhiều, các thầy cô giáo đã phải tự biên soạn chương trình giảng dạy… Tất cả những gì có được trong những năm tháng học ở các trường Sư phạm Trung ương, Liên khu III, Liên khu IV, đã được truyền lại cho giáo sinh, Ba thầy giáo cùng với giáo sinh vượt qua những khó khăn về nơi ăn, chốn ở, khó khăn về cơ sở vật chất như bàn ghế, sách vở và cả lương thực nữa…, để hàng ngày 2 buổi sớm, chiều vừa dạy văn hóa vừa dạy nghiệp vụ sư phạm cho giáo sinh có trình độ lớp 4 trong thời gian 3 tháng, thành giáo viên tiểu học ra dạy lớp 1, lớp 2. Và chỉ sau 3 tháng 40 giáo sinh đầu tiên của trường đã tỏa đi khắp các bản Mường trong tỉnh để dạy cái chữ Cụ Hồ cho con em các dân tộc trong tỉnh.

Chúng ta những thế hệ sau, con em các dân tộc Hòa Bình ghi ơn những thầy giáo miền xuôi đã hi sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho giáo dục miền núi, cho giáo dục Hòa Bình. Ba thầy giáo đầu tiên ấy, mỗi người một quê, mỗi người mỗi cảnh, đều còn rất trẻ, nhưng họ có chung một điểm: họ đều sẵn sàng xa quê nhà, tình nguyện lên Hòa Bình công tác. Người hiệu trưởng đầu tiên của trường: Thầy Vũ Duy Phẩm – quê thị trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Người đã có công tổ chức những bước đi ban đầu cho các lớp sư phạm ra đời. Và còn các thầy giáo khác nữa: Thầy Bùi Huy Ngọc, thầy Giao, những người thầy đầu tiên, cùng lớp giáo sinh đầu tiên của trường ngày nay ai còn, ai mất… chúng ta rất cảm phục tấm lòng của họ.

Ngành Sư phạm Hòa Bình nói chung, trường CĐSP Hòa Bình nói riêng không bao giờ quên tên tuổi, công lao của các thầy giáo một thời đã có công đặt nền móng cho những bước đi đầu tiên ấy.

Trong lớp giáo sinh đầu tiên của trường, không ít những người sau này trên mọi nẻo đường công tác đã mang theo tình cảm, kỉ niệm, dấu ấn về một mái trường, kiến thức ban đầu tiếp thu được qua những người thầy tận tụy. Noi gương những người thầy giáo trẻ, họ đã cống hiến vì một nền giáo dục Hòa Bình và họ đã thành đạt. Đó là những người như: Nhà giáo ưu tú Ngần Quý – nguyên trưởng phòng giáo dục Mai Châu, Nhà giáo ưu tú Bùi Văn Đựng.

Năm 1957, thầy Vũ Duy Phẩm chuyển về công tác tại Ty giáo dục Hòa Bình cũng là lúc các lớp học của trường chuyển xuống Bến Ngọc ( xã Trung Minh, Tp Hòa Bình ngày nay). Giai đoạn này thầy Nguyễn Văn Na làm Hiệu trưởng.

Chuyển trường về Bến Ngọc lần này cũng không phải là đến một nơi khang trang hơn mà vẫn là những nếp nhà tranh, tre, nứa, lá do bàn tay các thầy giáo và giáo sinh dựng lên. Nhân dân giúp đỡ cơ sở vật chất. Bên Hồ Ngọc thầy trò nhà trường lại tiếp tục những ngày tháng khó khăn về vật chất nhưng rất đỗi ấm cúng và thấm đượm tình người.

Thầy trò và nhân dân khu Bến Ngọc sống trong tình cảm không tách rời. Trong 2 năm ở Bến Ngọc nhà trường đã được chính quyền và nhân dân xã Trung Minh đã giúp đỡ về mọi mặt đời sống vật chất cũng như tinh thần. Cũng phải nói rằng các thầy cô giáo của trường đã không quản ngày đêm, khó khăn, gian khó quyết tâm xây dựng nhà trường.

Các năm học 1957 – 1959 trường tuyển sinh lớp 9 với 300 giáo sinh trình độ văn hóa lớp 4. Thời gian đào tạo 6 tháng và 9 tháng (hệ 4+1).

Chương trình học tập chủ yếu vẫn là nghiệp vụ. Thầy dạy trò từng bước đi, cách cầm viên phấn, viết bảng, soạn giáo án.

Năm 1958 – 1959, phong trào xóa mù chữ trở thành một chiến dịch sôi nổi, rộng khắp và Hòa Bình trở thành tỉnh miền núi đầu tiên hoàn thành công tác xóa mù chữ. Công lao ấy có phần đóng góp không nhỏ của các lớp giáo viên do trường Sư phạm sơ cấp Hòa Bình đào tạo từ 1956 -1959.

: