• Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Lịch sử phát triển

VI. TỪ TRƯỜNG SƯ PHẠM TRUNG CẤP ĐẾN TRƯỜNG SƯ PHẠM 10+3 (1960-1981)

1.Trường Sư phạm Trung cấp (1960-1970)

Những năm cuối thập kỉ 50 của thế kỉ trước, khi kế hoạch 5 năm cải tạo quan hệ sản xuất và phát triển kinh tế văn hóa ở miền Bắc đạt được những thành tựu quan trọng thì sự nghiệp giáo dục cũng có bước phát triển mới. Nhiều tỉnh ở miền Bắc tích cực chuẩn bị mở trường Sư phạm Trung cấp – đào tạo giáo viên cấp II cho các trường phổ thông.

Ngày 22/07/1959, Bộ trưởng Bộ Giáo dục nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ban hành Nghị định số 379/NĐ thành lập các trường Sư phạm Trung cấp ở một số tỉnh trong đó có tỉnh Hòa Bình.

Sau một thời gian chuẩn bị, đầu năm 1960, Trường Sư phạm Trung cấp Hòa Bình chính thức được thành lập.

*Địa điểm: Phố Đúng bờ trái sông Đà (một năm sau trở thành địa điểm của Khu học xá).

Nhiệm vụ của nhà trường là đào tạo và cung cấp đội ngũ giáo viên cấp II cho một số trường cấp II hiện có trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là giáo viên người địa phương nhằm chuẩn bị về lâu dài cho sự nghiệp giáo dục phổ thông Hòa Bình.

Khóa học đầu tiên của trường tuyển sinh hệ 7+2, nhà trường đã đào tạo 2 lớp 80 giáo sinh. Đây là lớp giáo sinh đào tạo 7+2 ra dạy cấp II đầu tiên của tỉnh Hòa Bình. Khóa học kết thúc năm 1962. Do điều kiện tỉnh Hòa Bình lúc bấy giờ số lượng học sinh cấp II chưa nhiều, số trường cấp II trong tỉnh còn ít nên một số giáo sinh đã tình nguyện lên Lào Cai, Yên bái công tác.

Tháng 10 năm 1961 Khu học xá được thành lập. Trường SP cấp II trở thành một bộ phận của Khu học xá. Lúc này nhà trường tuyển sinh 2 lớp với 80 giáo sinh.

Năm 1964, giặc Mỹ ném bom miền Bắc, cũng như trường Sư phạm cấp I, trường Sư phạm cấp II cũng sơ tán về xã Hợp Thành huyện Kỳ Sơn, lúc này (năm học 1964-1965) nhà trường không đào tạo mà chuyển sang nhiệm vụ Bồi dưỡng, Bồi dưỡng giáo viên cấp I để dạy cấp II, Bồi dưỡng giáo viên cấp II.

Năm 1970 trở về địa điểm Khu học xá (cũ) tiếp tục đào tạo giáo viên cấp II.

*Về tổ chức:

Thầy giáo Nguyễn Văn Chiển được cử làm hiệu trưởng đầu tiên của trường năm 1960.

Năm 1961, thành lập Khu học xá, đồng chí Nguyễn Văn Chiển làm phó Hiệu trưởng phụ trách sư phạm cấp II đến 1963 (không có hiệu trưởng vì các đồng chí lãnh đạo Ty Giáo dục trực tiếp phụ trách Khu học xá).

Năm 1965, trường Sơ tán về Hợp Thành, Hiệu trưởng là Đồng chí Đinh Ý Mẹo, Phó hiệu trưởng là đồng chí Nguyễn Văn Cư.

Năm 1966, khi đồng chí Đinh Ý Mẹo, chuyển về Ty Giáo dục thì đồng chí Nguyễn Văn Cư làm Hiệu trưởng – Bí thư chi bộ.

Các đồng chí Hiệu phó: Ngô Tiến Lợi, Nguyễn Hữu Uyển, Trương Danh Nghĩa, Nguyễn văn Song

*Hoạt động đào tạo:

Đội ngũ giáo viên của trường, tuy số lượng ít, phần đông tuổi nghề chưa cao nhưng nhiệt tình và có trình độ chuyên môn vững vàng, say xưa với chuyên môn. Mặc dù điều kiện vật chất thiếu thốn, cuộc sống đạm bạc nhưng các thầy cô giáo vẫn thường xuyên trao đổi chuyên môn, báo cáo ngoại khóa, đi thăm quan thực tế, phụ đạo cho giáo sinh, làm vườn địa lý, hướng dẫn thực tập.

Từ 1962-1965, trường đào tạo thêm 3 khóa 7+2, 7+3. Trong những năm học đầu tiên này, nhà trường luôn coi trọng công tác rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ cho giáo sinh. Dù trong hoàn cảnh nào, việc học tập gắn với đời sống thực tế lao động sản xuất cũng được đặt lên hàng đầu. Nhà trường thường xuyên tổ chức lao động công ích, lao động xây dựng trường, lao động giúp dân…ngoài ra, thầy trò nhà trường còn tổ chức chăn nuôi, tăng gia để cải thiện đời sống…

Năm 1965, giặc Mỹ đem bom đánh phá miền Bắc, để đảm bảo an toàn và tiếp tục nhiệm vụ đào tạo, Ban giám hiệu đã quyết định rời Khu học xá sơ tán về xã Hợp Thành, huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình.

Chỉ trong một thời gian rất ngắn, mặc dù không có phương tiện, vận chuyển chủ yếu bằng đóng bè xuôi sông Đà, thầy trò nhà trường đã vận chuyển xong những trang thiết bị chủ yếu của trường về nơi sơ tán.Tại đây, mặc dù điều kiện sinh hoạt, học tập ,giảng dạy gặp rất nhiều khó khăn, trong điều kiện chiến tranh ác liệt nhưng mọi sinh hoạt động dạy học của một trường đào tạo giáo viên cấp II vẫn được đảm bảo. Việc tổ chức dự giờ thăm lớp, rút kinh nghiệm giảng dạy vẫn được tiễn hành đều đặn trong các tổ chức chuyên môn. Các buổi sinh hoạt thứ 5 hàng tuần vẫn được tiến hành đều đặn và không chỉ có kiểm điểm công tác mà còn đi sâu trao đổi những vấn đề chuyên môn nghiệp vụ, học thuật và phương pháp giảng dạy những bài cụ thể.

Chương trình đào tạo cũng chỉ là những đề mục, chương, phần, không có chi tiết cụ thể. Giáo trình và tài liệu hầu như không có, thầy cô giáo chỉ dựa vào những nội dung sách giáo khoa để biên soạn chương trình chi tiết cho bài giảng của mình. Vậy mà, bằng tất cả sự cố gắng, các thầy giáo, cô giáo đã tự tìm tòi, nghiên cứu để soạn bài, lên lớp, dốc sức cho việc nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên của trường.

Song song với học tập, tăng gia sản xuất cải thiện đời sống, tham gia lao động công ích, thầy trò nhà trường vẫn quan tâm đến hoạt động tinh thần phong phú. Phong trào văn nghệ “Tiếng hát át tiếng bom” của thầy giáo và giáo sinh vẫn vang lên khắp các làng quê sơ tán và các trường nơi giáo sinh đến thực tập. Phong trào  thi đua cũng được thường xuyên phát động. Đặc biệt thời kì này là phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, phong trào tăng gia sản xuất ủng hộ đồng bào Gia Định kết nghĩa.

Bộ phận nhân viên phục vụ tuy ít người nhưng tinh thần và trách nhiệm phục vụ rất cao. Họ sẵn sàng chịu đựng gian khó, vất vả để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tổ chức lao động làm nhà cửa, phòng học, tổ chức bữa ăn cho thầy và trò trong thời kì chiến tranh, trong hoàn cảnh thiếu thốn, cùng thầy trò nhà trường tăng gia sản xuất cải thiện đời sống. Để nhà trường duy trì được giảng dạy và học tập, có công lao đóng góp vô cùng quan trọng của bộ phận phục vụ nhà trường.

Mười năm đào tạo của trường Sư phạm cấp II (1960-1970), trường đã đào tạo được 10 khóa, số giáo sinh tốt nghiệp ra trường đi công tác trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận khoảng 1.600 người.

Trong số giáo sinh tốt nghiệp của trường những năm này, có nhiều đồng chí sau này có điều kiện đi học nâng cao trình độ trở thành giáo viên cấp III, có giáo sinh cho đến giờ vẫn là những thầy cô giáo bám trụ ở các trường cấp II trên địa bàn tỉnh, có người đã chuyển đi tỉnh khác, có người đã nghỉ hưu, có người đã chuyển sang cương vị công tác mới, có người theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc tham gia bộ đội vào Nam đánh Mỹ và đã hy sinh. Số giáo sinh của trường ở những cương vị khác nhau, dù giảng dạy, hay công tác khác, họ đã phát huy được tinh thần trách nhiệm cao, ý chí phấn đấu vươn lên. Tiêu biểu là: Đồng chí Hà Công Dộng-Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình; đồng chí Bùi Thế Lực – Thiếu tướng phó Tư lệnh Quân khu 3; đồng chí Hà Thị Loan – nhà giáo ưu tú, nguyên hiệu trưởng trường THCS Cửu Long- Lương Sơn; Đồng chí Nguyễn Thị Thanh – nhà giáo ưu tú, nguyên Trưởng phòng giáo dục Thị xã Hòa Bình và còn bao nhiêu những chiến sĩ vô danh trên mặt trận giáo dục, hàng chục năm qua đã giơ cao bó đuốc văn hóa, đem chi thức đến cho bản Mường Hòa Bình. Chúng ta trân trọng tinh thần và nghị lực, bản lĩnh và trách nhiệm của họ.

Đặc biệt trong những năm chiến tranh, nhiều giáo sinh rời ghế nhà trường lên đường cầm súng đánh giặc. Sau này có nhiều đồng chí hoàn thành nghĩa vụ trở về trường học tập, có người mãi mãi nằm lại trên những mảnh đất thân yêu trên chiến trường miền Nam như nhà giáo, nhà báo, người chiến sĩ, Liệt sĩ Bùi Nguyễn Khiết, liệt sĩ Nguyễn Văn Phượng.

2.Trường Sư phạm Bổ túc Văn hóa cấp II Lê Hồng Phong (1965-1970)

Bên cạnh các trường Sư phạm trung cấp, thời kì này còn có trường Sư phạm Bổ túc Văn hóa cấp II Lê Hồng Phong. Đây là loại hình trường sư phạm đặc biệt nhằm đào tạo giáo viên chuyên dạy bổ túc văn hóa cho người lớn.

Thành lập năm 1965, Trường Sư phạm bổ túc văn hóa cấp II Lê Hồng Phong có nhiệm vụ là: Đào tạo giáo viên cấp II giảng dạy, chỉ đạo công tác Bổ túc Văn hóa cho các huyện.

Là một trường có loại hình đào tạo mới, không có một tài liệu, giáo trình nào viết cho hệ này, nhà trường lại phải tự mày mò, chủ yếu dựa vào sách giáo khoa cấp 2 để tự soạn chương trình đào tạo.

Giáo sinh ra trường dạy Bổ túc văn hóa cấp II cho cán bộ các ngành, các huyện, xã.

Hiệu trưởng lần lượt là đồng chí Đinh Viết Hiền, Trần Nở.

Năm 1967 đồng chí Đỗ Hữu Nam làm hiệu trưởng; Hiệu phó là các đồng chí: Nguyễn Ngọc Đường, Bùi Tiến Phong.

Năm 1970 sáp nhập với trường Sư phạm trung cấp.

3.Trường Sư phạm 10+3 Hòa Bình (1971-1981)

Năm 1971, do đòi hỏi của thực tiễn giáo dục, lúc này số học sinh phổ thông

phát triển nhanh đặc biệt là số họ sinh cấp III. Tại thời điểm đó số học sinh cấp III của tỉnh đã lên đến 1.928 học sinh. Ngành Sư phạm đã có đủ nguồn để tuyển giáo sinh có trình độ lớp 10+3. Trường chuyển từ Hợp Thành về Khu học xá cũ.  Năm 1972 giặc Mỹ đánh phá dữ dội thủ đô Hà Nội, để tránh những thiệt hại về người,trường lại sơ tán về Bến Thia, thuộc xã Yên Mông, huyện Kì Sơn (nay là TP Hòa Bình). Nhưng chỉ sau 3 tháng, đến mùa xuân năm 1973 lại chuyển về địa điểm cũ. Năm 1976 khi sáp nhập tỉnh thành Hà Sơn Bình, Ty Giáo dục chuyển về tỉnh lị Hà Đông, Trường 10+3 tiếp quản cơ sở vật chất của Ty Giáo dục tại địa điểm trường CĐSP Hòa Bình hiện nay. Nhà trường lúc này quản lý một khu đất rộng rãi gồm 3 khu: Khu A, B là địa điểm trường CĐSP, trường Tiểu học và THCS Võ Thị Sáu hiện nay và Khu D (chiến khu D là cách gọi của cán bộ giao viên nhà trường lúc bấy giờ) là khu đồi rộng chưa khai hoang, một số cán bộ giáo viên đã làm nhà ở, tăng gia, chăn nuôi cách khu A 800m về phía Đông Nam.

*Về cơ cấu tổ chức:

- Thời kì 1971-1975: Hiệu trưởng là đồng chí Nguyễn Văn Cư

- Các hiệu phó lần lượt là:

1. Đồng chí Ngô Tiến Lợi

2.Đồng chí Nguyễn Văn Song

3. Đồng chí Phạm Đình Cừ

4.Đồng chí Vũ Đình Thông

5.Đồng chí Bùi Huy Ngọc

Năm 1976, nhập tỉnh Hòa Bình – Hà Tây thành tỉnh Hà Sơn Bình, tỉnh Hà Sơn Bình có 2 trường, trường 10+3A đặt tại Thường Tín- Hà Tây (nay là Hà Nội) và 10+3B đặt tại Hòa Bình.

-Thời kì 1976-1981: Hiệu trưởng là đồng chí Nguyễn Công Tụng.

- Các Hiệu phó lần lượt là:

1. Đồng chí Ngô Tiến Lợi

2.Đồng chí Phạm Đình Cừ

3.Đồng chí Vũ Đình Thông

4.Đồng chí Bùi Huy Ngọc

5.Đồng chí Nguyễn Văn Cư

6. Đồng chí Vũ Thị Lý

- Bí thư đảng ủy là: Đồng chí Nguyễn Văn Cư

Đội ngũ giáo viên lúc đầu chỉ có khoảng 30 đồng chí và 20 nhân viên phục vụ. Sau này được bổ sung hàng năm, lúc đông nhất năm 1978-1981 giáo viên khoảng 60 người và nhân viên phục vụ đã hơn 30 người.

Đội ngũ giáo viên nhà trường lúc này khá đông đảo, gồm nhiều giáo viên đã trực tiếp giảng dạy ở Sư phạm Cấp 2, các giáo viên có năng lực ở các trường cấp III chuyển về, các đồng chí giáo viên đi học chuẩn ở các trường Đại học trở về, các sinh viên tốt nghiệp các trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm Vinh cũng được điều động tăng cường cho nhà trường.

Một Ban giám hiệu mới, một đội ngũ giáo viên có năng lực, có tâm huyết đủ sức điều khiển bộ máy của nhà trường hoạt động đều đặn trên tất cả mọi phương tiện như ăn, ở, sinh hoạt, học tập và rèn luyện. Nhà trường trở nên nề nếp, quy củ, chất lượng, đào tạo ngày một nâng cao.

*Về hoạt động đào tạo:

Yêu cầu mới đặt ra là phải đào tạo giáo viên cấp 2 chuyển dần từ hệ 7+3 lên đào tạo hệ 10+3. Có như vậy mới đáp ứng được quy mô và chất lượng đội ngũ giáo viên trong thời kì mới.

Hai năm 1971-1972, trường chiêu sinh 2 lớp 10+3 với 80 giáo sinh học các ngành Văn - Sử;  Toán - Lý. Đến năm học 1974-1975, trường mở thêm các ngành Sinh - Hóa và Địa - Sinh.

* Quy mô và chất lượng: Mỗi năm, các ngành đào tạo trong trường tuyển sinh khoảng gần 2.000.

Tiếp quản một khu đất rộng, nhà trường có điều kiện để tổ chức chỗ ăn ở cho cán bộ, giáo viên, giáo sinh. Tất cả đã tạo điều kiện mới để trường nâng cao chất lượng đào tạo. Nhà trường đã có những chuyển biến quan trọng, bề thế hơn, quy củ hơn so với giai đoạn trường Sư phạm Trung cấp trước đây.

Một thuận lợi cơ bản cho công tác chuyên môn nhà trường đó là, Giáo sinh được tuyển đều là học sinh đã học hết lớp 10 cho nên có đủ năng lực thực sự để tiếp thu chương trình và rèn luyện kĩ năng sư phạm. Những hoạt động dạy học, văn nghệ, thể thao, đã thành nếp. Những buổi thực hành ngoại khóa, bình thơ, biểu diễn văn nghệ được tiến hành thường xuyên. Đã qua rồi cái thời chiến tranh, sợ ánh sáng của ngọn đèn dầu máy bay địch phát hiện. Nhà trường, nhân các ngày lễ lớn đã tổ chức cắm trại, liên hoan văn nghệ, nói chuyên văn thơ, phát động phong trào thể thao, thi đấu bóng chuyền, bóng đá giữa các lớp, các ban đào tạo trong trường.

*Các hoạt động khác:

Song song với việc tổ chức học tập, văn nghệ, thể thao, thầy trò nhà trường còn tổ chức lao động, tăng gia sản xuất gây quỹ cho Đoàn, Lớp, Trường. Nhà trường đã tổ chức cho giáo sinh nhận các mặt hàng thủ công như mành trúc, gia công nan tre cho các cơ sở mây tre đan xuất khẩu, hợp đồng với nhà máy gạch Quỳnh Lâm để xếp gạch ra vào lò, lấy nứa về đan cót nhập cho cơ sở ngoại thương, ươm giống cây cho Lâm nghiệp…

Kết thúc 10 năm trường sư phạm 10+3 Hòa Bình, nhà trường đã đào tạo được 10 khóa, tổng số giáo sinh tốt nghiệp ra trường khoảng gần 5.000 người. Số giáo sinh 10+3, trong những năm phát triển của giáo dục Hòa Bình trở thành những giáo viên nòng cốt của các trường THCS của tỉnh. Một số chuyển ngành làm những công việc khác nhau theo sự phân công của tổ chức và họ có người rất thành đạt. Tiêu biểu đồng chí Bùi Thị Bình hiện là Phó chủ nhiệm Ủy ban dân tộc của Quốc hội.

Giáo sinh tốt nghiệp 10+3 công tác tại huyện Mai Châu, Đà Bắc là hai huyện vùng cao của tỉnh sau này được đặc cách công nhận trình độ cao đẳng sư phạm, số cong lại được đi học chuẩn hóa để lấy bằng cao đẳng sư phạm tại trường CĐSP Hà Tây hoặc Hòa Bình những năm 1993-1996.

Một chặng đường hơn 20 năm từ trường Sư phạm Trung cấp đến trường Sư phạm 10+3 là hơn 20 năm phát triển, trưởng thành. Hệ Trung cấp Sư phạm đào tạo giáo viên cấp II đã hoàn thành sứ mạng, lịch sử của mình. Trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt – chiến tranh, kinh tế nghèo nàn, dân trí thấp, nguồn tuyển hạn hẹp, đội ngũ giáo viên cơ bản thiếu thốn, sinh hoạt tinh thần như báo chí, văn nghệ, hạn chế, phương tiện cho hoạt động thể thao hầu như không có nhưng thầy trò nhà trường đã cố gắng vươn lên hoàn thành nhiệm vụ đào tạo. Đặt mình vào hoàn cảnh như vậy mới thấy sự vươn lên, vượt khó và ý chí phấn đấu cộng với tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân của tập thể thế hệ thầy, cô giáo, giáo sinh, sự đồng cam cộng khổ, ủng hộ của nhân dân các dân tộc Hòa Bình là vô cùng lớn. Ngày nay, con em các dân tộc trong tỉnh được học hành, trưởng thành, điều kiện kinh tế phát triển chúng ta đã thực hiện được ước nguyện của Bác Hồ “Ai cũng được học hành”, chúng ta cảm ơn các thế hệ thầy giáo dù miền xuôi hay miền ngược, khu III hay khu IV đã chung sức, chung lòng đào tạo cho Hòa Bình một thế hệ thế hệ thầy giáo cô giáo đủ về số lượng, giỏi về chuyên môn để gánh vác sự nghiệp giáo dục của tỉnh trong 60 năm qua.

: