• Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Lịch sử phát triển

4. Thời kỳ 1971-1981

Năm học 1971-1972, trường chuyển từ Hợp Thành về khu Bảy Mẫu thị xã Hòa Bình. Cuối 1972, giặc Mỹ đánh phá ác liệt, Hòa Bình nằm trong vòng quay của máy bay giặc khi đánh phá Hà Nội. Một số địa điểm của Hòa Bình cũng bị đánh phá như: xã Thịnh Lang, cửa hàng bách hóa huyện Kỳ Sơn…Nhà trường lại phải sơ tán vào khu Điều dưỡng thuộc xóm Máy, xã Hòa Bình, huyện Kỳ sơn (nay là TP Hòa Bình).

Thời kỳ này, nền kinh tế bao cấp trong thời kì chiến tranh nên đời sống cán bộ, giáo viên còn gặp nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất nhà trường thiếu thốn, nhà tranh vách đất, lớp học tạm bợ. Ngoài học tập, thầy trò còn phải lao động xây dựng trường, đào hầm tránh máy bay địch thường xuyên đánh phá không kể ngày đêm. Cuộc sống thời chiến vô cùng vất vả, mọi sinh hoạt, học tập đều phải khẩn trương. Có thể nói 12 ngày đêm địch đánh phá bằng B52 dội bom xống Hà Nội là 12 ngày đêm máy bay địch gầm rú trên bầu trời Hòa Bình. Trong điều kiện ấy, giáo sinh vừa học tập, vừa trực chiến, phải tạo mọi điều kiện đảm bảo an toàn tính mạng cho con người. Không chỉ riêng trường Sư phạm mà ngay cả các trường xung quanh như Hoàng Văn Thụ đều phải sơ tán về nhiều địa điểm( xóm Gai, Phố Chăm).

Kết thúc chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc năm 1973, cuộc tổng tiến công và nổi dậy ngày 30 tháng 4 năm 1975, đưa đất nước ta đến hoàn toàn thống nhất làm nức lòng nhân dân cả nước. Đất nước chuyển sang thời kỳ hòa bình xây dựng kinh tế.

Năm 1976, tỉnh Hòa Bình sáp nhập với Hà Tây thành tỉnh Hà Sơn Bình, Toàn tỉnh có 2 trường Sư phạm cấp I. Trường Sư phạm cấp IA đặt tại Xuân Mai- Hà Tây. Trường Sư phạm cấp IB đặt tại Hòa Bình.

Chủ trương xây dựng một nhà máy thủy điện trên sông Đà đã được Trung ương Đảng và Chính phủ thực hiện. Những đoàn khảo sát thủy điện Hòa Bình đã đặt những mũi khoan đầu tiên. Năm 1978, do yêu cầu của việc xây dựng nhà máy thủy điện  “công trình thế kỷ”, lại một lần nữa thầy trò nhà trường tiếp tục cuộc hành trình đi đến địa điểm mới. Cuộc “chuyển quân” lần này không phải là đi sơ tán, không phải là để tránh máy bay, bom đạn của kẻ thù, mà là tất cả cho công trình thủy điện trên sông Đà, “ Tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc”. Những lo lắng của một thời bom đạn nhường chỗ cho một niềm vui hân hoan vì ánh sang điện cho Hòa Bình, cho đất nước. Thầy trò nhà trường lại lên đường đến địa điểm mới: Bến Ngọc thuộc xã Trung Minh, huyện Kỳ Sơn, địa điểm của trường 20 năm về trước.

*Về tổ chức:

a. Chính quyền và đảng:

- Năm học 1970-1971:

1. Hiệu trưởng là đồng chí Phan Văn Uyển

2. Phó Hiệu trưởng: Đồng chí Nguyễn Văn Đích

3. Phó Hiệu trưởng: Đồng chí Trần Đăng Long

4. Phó Hiệu trưởng, Bí thư chi bộ: Đồng chí Lê Xuân Thanh

- Năm 1972-1973 đến năm học 1977-1978:

1. Hiệu trưởng: Đồng chí Nguyễn Văn Đích

2. Phó Hiệu trưởng: Đồng chí Bùi Văn Mẳng

3. Phó Hiệu trưởng: Đồng chí Lê Xuân Thanh

(Thời điểm này đồng chí Trần Đăng Long đi học đại học)

4. Bí thư chi bộ: đồng chí Nguyễn Vôn, cán bộ chuyên trách đảng (1972-1974); đến 1975 Bí thư chi bộ là đồng chí Lê Xuân Thanh.

- Từ năm 1976-1981: Bí thư Đảng ủy là đồng chí Lê Xuân Thanh.

Khi trường chuyển về Bến Ngọc (1978-1979) Ban Giám hiệu nhà trường có 5 đồng chí:

1. Nguyễn Văn Đích - Hiệu trưởng

2. Lê Xuân Thanh - Phó Hiệu trưởng - Bí thư Đảng ủy.

3. Bùi Văn Mẳng - Phó Hiệu trưởng

4. Phạm Đức - Phó Hiệu trưởng

5. Phạm Hồng Kanh - Phó Hiệu trưởng phụ trách bồi dưỡng tại Chăm Mát.

Đội ngũ giáo viên nhà trường: có 40 người

Nhân viên phục vụ có 50 người (Gồm cán bộ hành chính, nhân viên cấp dưỡng).

b. Về Đoàn thanh niên Lao động:

-Từ năm 1970 -1971; phụ trách đoàn trường là đồng chí Nguyễn Vôn.

- Năm 1972 phụ trách đoàn trường là đồng chí Trần Toại.

-Từ năm 1972 đến 1976 đồng chí Vũ Đức Kiên cán bộ chuyên trách CT đoàn, phụ trách đoàn trường.

-Từ năm 1977-1981 Bí thư đoàn trường là đồng chí Bùi Tiến Toản.

 c/Về Công đoàn:

- Từ 1970-1971: Thư kí công đoàn là đồng chí Nguyễn Bá Cầm.

- Năm 1972 là đồng chí Nguyễn Vôn

- Từ 1973-1976 là đồng chí Bùi Vĩnh Tường

- Từ năm 1977-1978 là đồng chí Hà Hạnh Phúc.

- Từ năm 1978-1981 là đồng chí Hoàng Văn Thuật

* Hoạt động đào tạo:

- Hệ đào tạo:

Trong thời gian này, nhà trường đào tạo giáo viên cấp I các hệ cho tỉnh: 4+3,7+1,7+2,7+3,10+2.

- Quy mô và chất lượng đào tạo :

Hàng năm, nhà trường đã tuyển sinh hàng trăm giáo sinh về đào tạo, ở mỗi hệ có những đặc thù khác nhau kể cả về chương trình, tài liệu, nghiệp vụ sư phạm.

Giai đoạn này, tổng số giáo sinh được đào tạo từ 1971 đến 1981 là 62 lớp với 2.400 giáo sinh đã tốt nghiệp ra trường.

Là một trường sư phạm miền núi, các điều kiện cần cho dậy và học vô cùng thiếu thốn, cơ sở vật chất nghèo nàn, qua nhiều lần chuyển trường phòng học, phòng ở cũng chỉ làm tạm bợ. Mưa bão, giá rét đã không làm nản lòng các thầy giáo và giáo sinh.Có những trận bão lốc đã làm hỏng hết nhà cửa, làm bay mái và sập 12 ngôi nhà của đơn vị bộ đội ở quả đồi bên cạnh, toàn bộ lớp học của trường bị tốc hết mái, có nhà bị đổ hoàn toàn, lốc xoáy đã cuốn một em giáo sinh nữ lên trời bay ra khoảng trống giữa sân, rơi vào trước cửa Ban giám hiệu. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, với tinh thần tự lực cánh sinh, thầy trò nhà trường bằng sức lao động của mình đã tập trung làm lại nhà ở, ổn định lại dạy và học trong trường.

Với phong trào tự học, tự tìm tài liệu, các thầy cô giáo sưu tầm, tích lũy, biên soạn tài liệu làm phong phú cho bài giảng, của mình.

Kế thừa truyền thống thi đua dạy tốt học tốt - học tốt của những năm trước, trường đã tập hợp những giáo viên có kinh nghiệm tổ chức hội thảo, trao đổi kinh nghiệm, bổ sung những kiến thức chuyên môn còn thiếu. Vì vậy, chất lượng hoạt động chuyên môn của nhà trườngđược nâng cao hơn trước.

5. Thời kì 1982-1994

Năm 1981, trường 10+3 nhập với trường CĐSP Hà Tây (cũ) thành trường Cao đẳng Sư Hà Sơn Bình. Trường Trung học Sư phạm cấp IB tiếp quản địa điểm của trường 10+3. Một khu đất rộng rãi bằng phẳng, một cơ ngơi tạm gọi là khang trang hơn trước là môi trường sư phạm thuận lợi cho trường phát triển.

Đất nước ta thời kì này gặp nhiều khó khăn. Nền kinh tế quan liêu bao cấp sau chiến tranh để lại những hậu quả hết sức nằng nề. Cán bộ nói chung và giáo viên nói riêng gặp vô vàn những thử thách khắc nghiệt về đời sống: Đồng lương chậm, chế độ lương thực phân phối 2/3 là sắn, khoai, bobo. Đồng tiền mất giá, hầu như cán bộ giáo viên nào cũng phải có một nghề làm thêm để nuôi sống gia đình: Làm chổi chít, làm đệm bông lau, đan cót, làm mành khuyên, nuôi lợn, lấy củi bán, trồng mía. Xung quanh trường là các vườn mía tím của nhà trường và cán bộ, giáo viên…Ban lao động của trường nhiều năm đã huy động cả giáo viên, giáo sinh đi mua mía giống tận Tân Lạc, Lạc Sơn về trồng. Nhà trường, thông qua Ban lao động đã có tổ chức nuôi bò nhằm tăng thêm kinh phí cho nhà trường…

Tóm lại, đây là thời kì khắc nghiệt trong đời sống của cán bộ giáo viên và giáo sinh nhà trường. Tăng gia, sản xuất, chăn nuôi, làm nghề phụ, gia công quần áo, thợ may…đã giúp cán bộ giáo viên vượt qua những cam go của đời sống hàng ngày.

Cơ sở vật chất nhà trường vẫn là những nhà cấp 4. Chỉ có các phòng học là nhà cấp 4 lợp ngói. Khu tập thể cán bộ giáo viên là khu nhà lợp gianh, vách đất nên đã không ít lần bị cháy.

Tuy nhiên, có một điều lạ lùng là không thầy cô nào bỏ giờ, bỏ lớp. Các tiết học vẫn được thực hiện nghiêm túc. Chương trình đào tạo vẫn được thực hiện đầy đủ.

Năm 1986, Đại hội lần thứ VI của Đảng mở ra một thời kì mới, chuyển đổi kinh tế. Sau 3 năm nền kinh tế đất nước đã có những chuyển biến tích cực, đời sống cán bộ giáo viên phần nào được cải thiện. Trên gương mặt của các thầy cô giáo đã có những nét tươi tắn trở lại, những nếp nhăn của những lo toan vất vả đời thường đã nhường chỗ cho những nụ cười vui vẻ của một cuộc sống đã dần dần được cải thiện.

Trước tình hình đó, Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường đặc biệt quan tâm đến đời sống vật chất cho giáo viên. Sau khi được Đảng ủy thông qua, Ban giám hiệu đã hợp và nhất trí cho cán bộ, giáo viên nhà trường mượn đất làm nhà (Khu đất trường bồi dưỡng cũ) để giải quyết khó khăn về chỗ ở cho cán bộ giáo viên. Điều đó cho thấy sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo nhà trường, đã vì tập thể, vì con người. Những ngôi nhà tuy chưa khang trang bề thế đã được mọc lên ngay trong năm 1989. Cán bộ, giáo viên trong trường vì thế ngày càng yên tâm công tác và hết lòng vì sự nghiệp của trường.

Cũng trong năm 1989, được sự quan tâm của UBND tỉnh, nhà trường được đầu tư xây dựng khu nhà giảng đường 3 tầng với 18 phòng học. Lần đầu tên trường THSP Cấp IB Hòa Bình có một giảng đường kiên cố, đẹp đẽ khang trang làm thay đổi bộ mặt nhà trường.

Tổ chức APHEDE đã tài trợ chương trình đào tạo giáo viên cấp I, đào tạo y tế học đường cho giáo viên và hỗ trợ xây dựng cảnh quan môi trường sư phạm của một số trường tiểu học và trường Sư phạm. Do vậy, vườn hoa cây cảnh trước tiền sảnh giảng đường 3 tầng được tu bổ đẹp đẽ.

Một vấn đề đặt ra cho nhà trường lúc bấy giờ là ổn định để phát triển. Từ năm 1988, nhà trường đi vào nề nếp, đoàn kết nhất trí, ổn định trong thế đi lên. Toàn bộ cán bộ giáo viên trong trường đồng tâm hiệp lực xây dựng trường vững mạnh.  

*Về tổ chức của trường:

Ngày 01/12/1980, Ty Giáo dục Hòa Bình có Quyết định số 88/TCCB về chủ trương điều động một số cán bộ lãnh đạo khi nhập trường 10+3B về Thường Tín, Tháng 2 năm 1982 đồng chí Nguyễn Văn Đích chuyển công tác về Kim Bôi, Thầy giáo Nguyễn Công Tụng – nguyên Hiệu trưởng 10+3B về làm Hiệu trưởng trường Trung học Sư phạm cấp IB.

Hiệu phó là các thầy: Bùi Văn Mẳng, Lê Xuân Thanh, Phan Thành Đĩnh, Phạm Đình Cừ (1982).

- Bí thư đảng ủy là đồng chí Lê Xuân Thanh.

- Năm 1985 đồng chí Ngô Tiến Lợi được điều về làm Phó Hiệu trưởng.

- Năm 1986, thầy Nguyễn Công Tụng nghỉ hưu. Đồng chí Ngô Tiến Lợi làm quyền Hiệu trưởng. Đồng chí Lê Xuân Thanh Bí thư đảng ủy, được điều động làm Hiệu trưởng trường PTTH Công Nghiệp B, đồng chí Phan Thành Đĩnh làm Bí thư đảng ủy.

- Sở Giáo dục Hà Sơn Bình điều đồng chí Vũ Thị Lý về làm Hiệu trưởng năm 1987. Hiệu phó là các đồng chí: Bùi Văn Mẳng, Phạm Đình Cừ.

- Năm 1988, đồng chí Nguyễn Đình Dinh được điều về làm Phó Hiệu trưởng.

Đại hội đảng bộ đã bầu đồng chí Nguyễn Đình Dinh làm Bí thư. Đến 1992, Bí thư đảng ủy là đồng chí Vũ Thị Lý.

Thư kí công đoàn lần lượt là đồng chí: Nguyễn Văn Song, Lê Mỹ Lý.

Bí thư Đoàn trường lần lượt là các đồng chí:

1. Nguyễn Hữu Hội 1982-1984.

2. Nguyễn Hồng Mạc 1985-1987

3. Đồng chí Đoàn Quốc Tuấn – Phó Bí thư đảng ủy kiêm Bí Thư đoàn trường từ(1987-1992)

*Các tổ chuyên môn nhà trường gồm:

-Tổ khoa học xã hội: do đồng chí Vũ Ngọc Sinh làm tổ trưởng, sau là đồng chí Nguyễn Duy Nhạc.

- Tổ Khoa học, Tự nhiên; do đồng chí Trần Trần Điền làm tổ trưởng, sau là đồng chí Nguyễn Văn Tư.

- Tổ giáo vụ; do đồng chí Nguyễn Văn Đồng làm tổ trưởng, sau là đồng chí Đoàn Văn Học

- Tổ Chính – Giáo: do đồng chí Chân làm tổ trưởng, sau là đồng chí Vũ Hồng Hải.

Đội ngũ giáo viên toàn trường năm 1982 là 46 đến năm 1991 là 120 người.

*Hoạt động đào tạo: Hàng năm nhà trường tuyển sinh các hệ: 7+2, 9+2, 10+2 đào tạo giáo viên cấp I.

Địa bàn tuyển sinh những năm đầu là: Toàn bộ 10 huyện thị của Hòa Bình và một số huyện của Hà Tây: Phú Xuyên, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Thanh Oai, Mỹ Đức,Thường Tín, và cả thị xã Hà Đông…

Những năm đầu của thập kỉ 90 của thế kỷ trước, Bộ GD&ĐT ban hành chương trình 5+3 đào tạo giáo viên cho những vùng đắc biệt khó khăn. Nhà trường đã mở hệ đào tạo 5+3 đào tạo giáo viên tiểu học cho hai xã Hang Kia, Pà Cò huyện Mai Châu. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng ban hành chương trình 12+6 tháng chuyển đổi giáo viên Mầm non thành giáo viên tiểu học. Nhà trường cũng đã thực hiện 2 khóa theo chương trình này.

Ngoài hệ THSP trong trường, nhà trường còn liên kết với Trường CĐSP Hà Tây đào tạo giáo viên THCS các ngành: Văn – Sử- GDCD; Toán-Lý-Kỹ thuật công nghiệp. Tổng số 652 sinh viên và chuẩn hóa giáo viên có trình độ 10+3 lên CĐSP chỉ thị xã Hòa Bình là 160 học viên.

Số lượng giáo sinh tuyển hàng năm đối với các hệ chính quy là 250-300.

Lưu lượng giáo sinh hệ chính quy trong trường mỗi năm có từ 500-600.

Cơ sở vật chất những năm đầu còn thiếu thốn nhưng nhà trường đã đầu tư cho công tác chuyên môn . Chương trình, kế hoạch đào tạo ngay từ đầu năm học đã được hoàn thiện. Đội ngũ giáo viên nhà trường về cơ bản đã được chuyển hóa. Hầu hết có bằng Đại học sư phạm. Một số giáo viên đã dạy ở các trường Sư phạm cấp II, 10+3 và một số trường Cao đẳng, Đại học chuyển về. Nề nếp dạy và học được quán triệt hết sức nghiêm túc đến từng giáo viên. Rất hiếm trường hợp giáo viên bỏ giờ, Tất cả đều tuân thủ một cách nghiêm ngặt chương trình đào tạo, nề nếp dạy và học. Sinh hoạt chuyên môn được hoạt động trường xuyên mỗi tuần một lần. Dự giờ thăm lớp, rút kinh nghiệm giảng dạy được coi là một việc làm có tính chất trường kì, diễn ra liên tục trong năm học.

Thi, kiểm tra, đánh giá công minh, vô tư, không có hiện tượng gian lận trong thi cử. Giáo sinh tự giác học tập và tham gia các hoạt động đào tạo.

Thời kỳ này, một hoạt động đặc thù trong trường Sư phạm được quán triệt chỉ đạo thực hiện sát sao sau đó là hoạt động nghiệp vụ. Thầy cô giáo được phân công hướng dẫn nghiệp vụ cho giáo sinh vào các buổi chiều (Có thể tập trung toàn khối hoặc từng lớp) hướng dẫn từng động tác: đi vào lớp, tư thế đứng, cầm phấn, viết bảng, phong cách lên lớp, diễn đạt trước tập thể, hướng dẫn soạn giáo án, tập giảng…Theo hình thức đóng vai, giáo sinh còn được tập dượt cả cách giơ bảng con trong lớp, cách quay bảng của học sinh. Có thể nói, công tác nghiệp vụ sư phạm cho giáo sinh được quán triệt và thực hiện hết sức tỷ mỉ và có hiệu quả. Các hoạt động nghiệp vụ tập thể như công tác Đội, Sao nhi đồng cũng được chú trọng. Toàn bộ hoạt động nghiệp vụ được phát động như một phong trào học tập sôi nổi của trường. Hoạt động nghiệp vụ gắn chặt với thực tế trường phổ thông cấp I.

*Công tác thực tập:

Hàng năm, việc tổ chức đưa giáo sinh đi thực tập vô cùng khó khăn, Phải thuê xe đưa các em giáo sinh đến địa điểm thực tập, lo chỗ ở, (nhờ nhà dân), phải tổ chức đưa được lương thực, thực phẩm: gạo, ngô, khoai lang lat khô, muối và các phương tiện nấu ăn tập thể đến tận trường thực tập. Hầu hết, các trường thực tập phải rộng trên 10 huyện (thị). Quan điểm lúc bấy giờ là phải đưa giáo sinh đi thức tập tại các trường xa, nơi mà các em sau này sẽ công tác để làm quen với môi trường. Rất ít đoàn thực tập ở thị xã. Vì vậy, với một chiếc xe tải Mono cũ kĩ của trường, bộ phận phục vụ phải chở lương thực, thực phẩm, dụng cụ cho tất cả đoàn thực tập ở 10 huyện thị. Mặc dù khó khăn là vậy nhưng nhà trường đã xác định đúng vai trò của công tác thực tập trong công tác đào tạo cho nên dù khó khăn đến mấy cũng phải tổ chức thật tốt công tác này.

Chất lượng đào tạo của nhà trường những năm này đạt hiệu quả tương đối tốt. Lớp giáo sinh ra trường thời kì này, hiện nay rất nhiều đồng chí đã là những hiệu trưởng, hiệu phó, giáo viên giỏi, làm nòng cốt cho các trường tiểu học hiện nay.

*Hoạt động của các đoàn thể:

- Công đoàn trường:

Công đoàn trường đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình . Những năm tháng khó khăn vất vả, công đoàn luôn là tổ ấm động viên, khuyến khích, tập hợp cán bộ giáo viên hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy. Các phong trào thị đua do công đoàn phát động nhân dịp các ngày lễ lớn trong năm như “10 năm ngày giảo phóng miền Nam thống nhất đất nước” năm 1985; Phong trào “Trồng cây gây rừng” năm 1989-1990 tại khu đồi xã Thống Nhất đã huy động được toàn bộ giáo viên và giáo sinh toàn trường tham gia trong thời gian dài…Có thể, nói công đoàn nhà trường nhà trường giai đoạn này đã phối hợp với chính quyền một cách hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ, nâng cao chất lượng đào tạo. Sâu sát để nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của các công đoàn viên, đảm bảo mọi chế quyền lợi cho công đoàn viên đồng thời xây dựng khối đoàn kết nhất trí trong cơ quan, đặc biệt là những năm 1988-1994.

- Đoàn thanh niên:

Lực lượng đoàn thanh niên trong trường giai đoạn này vừa đông về số lượng, vừa mạnh về các hoạt động do được tổ chức chu đáo và có hiệu quả. Mỗi chi đoàn ở các hệ đào tạo khác nhau đều có những hoạt động thiết thực. Hoạt động của “Tổ xung kích” trong việc duy trì nề nếp học tập của các đoàn viên thanh niên rất hiệu quả. Một số hoạt động trong tổ chức đoàn được phát động sôi nổi như xây dựng “Tập thể học sinh Xã hội chủ nghĩa”; phòng trào văn nghệ , thể thao, vũ quốc tế được đoàn viên tích cực hưởng ứng. Song song với hoạt động Đoàn, Đoàn thanh niên còn huy động đoàn viên tham gia phong trào “ Tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ Quốc” đã đóng góp hàng ngàn công lao động nạo vét đập tràn xả lũ, kè đá,vận chuyển vật liệu đắp đê sông Đà năm 1987-1988.

Ngoài hoạt động chung, các liên chi đoàn còn tổ chức đi lấy củi tại xã Thống Nhất, Bình Thanh, về bán gây quỹ lớp. Công việc này diễn ra liên tục trong nhiều năm.

Từ năm 1956 đến 1994, từ trường Sư phạm Sơ cấp đến trường Trung học sư phạm cấp I, nhà trường đã hoàn thành xuất sắc sứ mạng lịch sử của mình. Gần 40 năm tồn tại và phạt triển, trưởng thành, thầy trò nhà trường đã đi qua những năm thiếu thốn của những năm đầu sau ngày đất nước thống nhất. Nhìn lại chặng đường gian lao đó, chúng ta có quyền tự hào về một mái trường – nơi đào tạo đội ngũ giáo viên Tiểu học cho tỉnh Hòa Bình và cho cả một số vùng lân cận.Gần 40 năm phát triển, nhà trường đã đào tạo được hơn 11000 giáo viên Tiểu học các hệ. Bồi dưỡng, chuẩn hóa và đào tạo hàng ngàn giáo viên Tiểu học khác. Đội ngũ giáo viên nhà trường trưởng thành qua năm tháng đủ để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Cơ sở vật chất nhà trường từ chỗ chỉ là 3 ngôi nhà tranh tre, nứa lá, đơn sơ, chuyển nhiều địa điểm vẫn chỉ là sự tạm bợ trong một thời gian ngắn ngủi, đến 1994 đã là một cơ sở  khang trang đẹp đẽ . Thời gian sẽ lùi về quá khứ, cái còn lại là những dấu ấn về đội ngũ lãnh đạo nhà trường, các thầy cô giáo, những giáo sinh thân yêu, những kỉ niệm của một thời xa xưa gian nan vất vả nhưng thật đáng tự hào. Trường CĐSP Hòa Bình sẽ tiếp bước những truyền thống đó để sự nghiệp đào tạo giáo viên của tỉnh ngày càng ứng được yêu cầu và nhiệm vụ mới.

: