• Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Lịch sử phát triển

 Phần thứ hai. TRƯỜNG CĐSP HÒA BÌNH – GIAI ĐOẠN 1995-2016

Sau 5 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (1986-1991), đất nước ta nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng, đã có những chuyển biến mạnh mẽ cả về kinh tế, văn hóa, giáo dục. Kinh tế đất nước đã thoát khỏi tình trạng khủng hoảng, thúc đẩy giáo dục phát triển và có những chuyển biến mới. Trong tình hình đó năm 1991, tỉnh Hòa Bình được tái lập. Sự kiện này là điều điện thuận lợi để Hòa Bình phát triển.

I. THỜI KỲ 1992-1995

1. Quá trình hình thành các lớp CĐSP đến khoa CĐSP trong trường THSP Hòa Bình (1992-1995)

Sau khi tái lập tỉnh, nhu cầu học tập, nhu cầu về trường lớp, giáo viên của nền giáo dục Hòa Bình tăng nhanh, giáo dục phổ thông và Mầm non trung bình mỗi năm tăng 10% cụ thể là:

Năm học 1991-1992 có 162.108 học sinh (riêng THCS có 24.904 học sinh

Năm học 1992-1993 có 171.407 học sinh (riêng THCS có 25.813 học sinh)

Năm học 1993-1994 có 174.788 học sinh (riêng THCS có 27.318 học sinh.

Năm học 1994-1995 có 207.905 học sinh (riêng THCS có 36.091 học sinh).

Mức tăng dân số của Hòa Bình là 2 % /năm. Với dân số hơn 72 vạn, mỗi năm Hòa Bình sẽ tăng 15.000 dân và sẽ có 15.000 học sinh các ngành học Mầm non và phổ thông (TH vàTHCS).

Sự tăng nhanh về số lượng học sinh, đòi hỏi phải có một đội ngũ giáo viên đủ về số lượng và chuẩn về đào tạo để đáp ứng được nhu cầu bức thiết về học tập và phát triển giáo dục tỉnh nhà. Hàng năm, giáo dục Hòa Bình cần 700 giáo viên mầm non, 500 giáo viên tiểu học, từ 300- 400 giáo viên các bộ môn ở THCS mà trình độ chuẩn là CĐSP. Theo nghị quyết của HĐND tỉnh, với mức tăng 8-10% học sinh các cấp mỗi năm thì hàng năm, tỉnh Hòa Bình cần thêm 1.200 giáo viên các cấp để đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục, bổ xung, thay thế giáo viên nghỉ hưu, chuyển vùng.

Đội ngũ giáo viên của tỉnh, tại thời điểm đó, có trên 9.000 người. Trong đó 90% giáo viên Mầm non còn trình độ Sơ học (đào tạo ở trường Sơ học nuôi dạy trẻ); 98% giáo viên Tiểu học còn ở trình độ Sơ học và Trung học; 90% giáo viên cấp 2 ở trình độ 7+3;10+3 và một số ít trình độ Cao đẳng.

Đội ngũ cán bộ quản lý tại các trường Mầm non, Tiểu học, THCS, hầu hết chưa qua đào tạo (ở Mầm non là 83%; Tiểu học là 75%; THCS là 70%; THPT là 50%; Cán bộ Phòng, Sở là 50%).

Nhu cầu phải có một trường CĐSP đào tạo các loại hình giáo viên, đặc biệt là giáo viên THCS là một nhu cầu bức thiết, là một tất yếu khách quan, có ý nghĩa chiến lược và là nhu cầu xuất phát từ thực tế nội tại của giáo dục Hòa Bình.

2.Những điều kiện khách quan và chủ quan của sự ra đời các lớp CĐSP, khoa CĐSP trong trường THSP Hòa Bình.

a. Về quá trình đào tạo:

Giáo dục chuyên nghiệp Hòa Bình đã có quá trình đào tạo giáo viên cấp 2 từ những năm 60 của thế kỉ trước (trường SP cấp 2 –Khu học xá), đã có trường Sư phạm 10+3 đào tạo giáo viên cấp 2 từ năm 1971.

b. Về đội ngũ:

Khi nhập tỉnh Hà Sơn Bình, có nhiều đồng chí cán bộ quản lý, giáo viên giảng dạy 10+3 đã ở Hòa Bình và hạt nhân của trường THCS. Ngoài ra, ở khu vực Hòa Bình, đang tồn tại trường Sư phạm Mầm non và trước đó có trường Sư phạm Bồi dưỡng. Các trường này có một đội ngũ CBQL, giáo viên có kinh nghiệm, có trình độ để xây dựng đội ngũ CBGD cho trường CĐSP.

Đội ngũ giáo viên ở trường THSP Hòa Bình  tại thời điểm đó (năm 1992-1993), có một tỷ lệ không nhỏ đã kinh qua giảng dạy ở trường 10+3, các trường CĐSP, Đại học. Nhiều đồng chí cán bộ quản lý có quá trình công tác tại các trường Sư phạm từ 10 năm trở lên. Có đồng chí có trình độ tương đương Thạc sĩ được đào tạo ở trong nước và nước ngoài. Đây là một trong những yếu tố có tính chất quyết định cho việc hình thành các lớp Cao đẳng rồi đến khoa Cao đẳng trong trường THSP Hòa Bình.

Trong tình hình đó, trường THSP Hòa Bình đã kịp thời năm bắt tình hình và chủ động đề xuất với Sở GD&ĐT Hòa Bình về chủ trương liên kết với ngành học và đã được đồng chí Nguyễn Bạch Đằng – Giám đốc Sở đồng ý. Chủ trương này đã được Ban Giám đốc báo cáo UBND tỉnh và Bộ GD&ĐT. Ngày 13/02/1992 tại công văn số 4090/KHTV của Bộ Giáo dục & Đào tạo và ngày 14/08/1992 tại quyết định số 230/QĐ-UB Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình cho phép trường THSP Hòa Bình mở các lớp liên kết với trường CĐSP Hà Tây, đào tạo giáo viên THCS có trình độ CĐSP ở một số ngành học.

Về phía trường THSP Hòa Bình, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ, Tỉnh, Sở GD&ĐT, Ban giám hiệu nhà trường đã chuẩn bị về tổ chức, chủ động điều động một số đồng chí giáo viên của trường lên dạy hệ CĐSP và mời giáo viên đang công tác tại Sở GD-ĐT, các trường THPT trên địa bàn tỉnh về thỉnh giảng.

Các đồng chí: Nguyễn Khắc Doanh (Tâm lý- Giáo dục), Hoàng Anh Tú (Vật lý), Phạm Thị Thành (Văn), Lê Quốc Doanh (Sử), Nguyễn Hữu Thông (Chính trị), Hoàng Cầm (Văn), Bùi Thị Hoạt (Thể dục) đã được điều động lên giảng dạy tại khoa Cao đẳng.

Nhà trường đã mời các đồng chí: Nguyễn Đại Dương, Nguyễn Văn Song, Nguyễn Sĩ Đức, Nguyễn Xuân Huy ở Sở GD&ĐT, các đồng chí Đặng Quang Ngàn, Hoàng Văn Phú ở trường THPT Hoàng Văn Thụ, Ninh Thị Nhất trường THPT Kĩ Thuật (nay là trường THPT Ngô Quyền)…, các đồng chí Bùi Văn Yêng (THPT Tân Lạc), Mai Long (THPT Lạc Thủy)… về thỉnh giảng một số học phần cho sinh viên. Đảng ủy đã phân công các đồng chí trong Ban giám hiệu phụ trách công tác này là đồng chí Lê Mạnh Khương- Phó hiệu trưởng phụ trách hệ CĐSP; đồng chí Nguyễn Đức Long làm công tác giáo vụ.

c. Về cơ sở vật chất:

Trong điều kiện hết sức khó khăn về mội mặt, để chuẩn bị cho các lớp CĐSP ra đời, ngay từ đầu năm 1992, thực hiện chủ trương của Bộ GD&ĐT, Tỉnh, Sở, đội ngũ các thầy cô giáo ở khoa Cao đẳng, dưới sự lãnh đạo của nhà trường đã thực hiện một công việc nặng nề là xây dựng một thư viện, phòng thí nghiệm cho hệ CĐSP. Có một thư viện khang trang, nhiều đầu sách có giá trị như ngày nay ít ai có thể biết, 5-6 thầy cô giáo ở khoa Cao đẳng lúc bấy giờ (Thầy Khương, Thầy Long, Cô Bích, Cô Yên, Cô Thành…) đã phải tìm đến thư viện tổng hợp tỉnh, trong đống sách cũ xuất hủy của thư viện, các thầy cô giáo đã lục tìm từng quyển sách vỉa hè ở Hà Nội…để chọn, mua từng quyển giáo trình, từng quyển sách tham khảo, tìm đến nhà riêng các thầy cô trong tỉnh để xin lại các giáo trình Đại học đã cũ…sau đó phô tô đóng thành quyển nhằm phục vụ cho việc dạy của thầy và học của hơn 500 sinh viên. Cứ như vậy, trong 3 năm 1992-1995, bằng giải pháp này, các thầy cô giáo ở khoa Cao đẳng đã xây dựng được về cơ bản bộ giáo trình và tài liệu tham khảo hàng ngàn quyển cho sinh viên hệ Cao đẳng học tập.

Là một trường sư phạm thuộc tỉnh miền núi, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, nhà trường chỉ có một giảng đường 3 tầng với 18 phòng học, còn lại toàn bộ là cấp 4 đã cũ nát. Được sự quan tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, với chương trình 4, xây dựng cơ sở vật chất cho các trường Sư phạm, bộ mặt nhà trường đã thay đổi hẳn. Nhà làm việc của giám hiệu, các phòng ban khoa, nhà đa năng, phòng thí nghiệm…đã được xây dựng. Giảng đường, nhà tập, phòng làm việc, phòng thí nghiệm, nhà kí túc xá cho sinh viên khang trang đẹp đẽ đã tạo điều kiện cho nhà trường phát triển mạnh mẽ những năm sau này, thu hút mỗi năm có gần 3.000 học sinh, sinh viên các hệ học tập.

Với tình cảm anh em cùng tỉnh trước đây và với tinh thần trách nhiệm cao, các đồng chí trường CĐSP Hà Tây đã nhiệt tình giúp đỡ, phối hợp toàn diện, không kể thời gian, kinh nghiệm, đội ngũ giảng viên, tài liệu, giáo trình. Năm học 1992-1993, các lớp hệ CĐSP đầu tiên với các ngành học: Văn – Sử - GDCD; Toán-Lý- Kĩ thuật công nghiệp; Tiếng Anh; Hóa- Địa… đã đi vào học tập. Trong 3 năm 1992-1995, 16 lớp CĐSP với các ngành học khác nhau đã được tuyển sinh liên kết với các ngành học đã tốt nghiệp, đáp ứng một phần nhỏ tình trạng thiếu giáo viên cho ngành giáo dục tỉnh Hòa Bình.

Ba năm học, với 3 khóa đào tạo CĐSP, đây là những tiền đề hết sức quan trọng cho nhà trường trong hoạt động đào tạo sau này, Những kinh nghiệm về quản lý đào tạo hệ Cao đẳng, việc xây dựng cơ sở vật chất như thư viện, thí nghiệm, thực hành cũng như việc tổ chức các hoạt động chuyên môn, đặc biệt là kinh nghiệm giảng dạy của giảng viên ở một hệ đào tạo mới – hệ đại học… đã được hình thành trong thời gian này.

Từ 1992-1995, đội ngũ giáo viên ở trường THSP Hòa Bình và một số đồng chí khác ở Sở GD&ĐT, các trường THPT đã được các đồng chí giảng viên ở trường CĐSP Hà Tây trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn nghiệp vụ, dự giờ, rút kinh nghiệm, soạn giảng…tham gia giảng dạy một số học phần. Nhờ vậy, trong  3 năm, đội ngũ này trưởng thành và trở thành những giảng viên nòng cốt cho khoa CĐSP nói riêng và trường CĐSP sau này.

Toàn bộ hợp đồng liên kết đào tạo với trường CĐSP Hà Tây. Kí ngày 20/10/1992 giữa trường THSP Hòa Bình và trường CĐSP Hà Tây đã được thực hiện trọn vẹn và hiệu quả.

3. Đề án nâng cấp trường THSP Hòa Bình thành trường CĐSP Hòa Bình

Ba năm học liên kết với trường CĐSP Hà Tây, cũng là ba năm phấn đấu, chuẩn bị về mọi mặt: Cơ sở vật chất, đội ngũ, phương tiện…Được sự chỉ đạo, định hướng của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT, Ban giám hiệu nhà trường bắt tay lập đề án nâng cấp trường.

Ngày 06/01/1995. ngày bắt đầu đề án, đề án dựa trên các cơ sở:

* Đảng bộ nhà trường: 33 đồng chí – Đảng bộ nhà trường được công nhận là Đảng bộ trong sạch vứng mạnh.

* Đội ngũ giảng viên: Nhà trường có đội ngũ giảng viên có kinh nghiệm trong trường THSP, nhiều đồng chí đã kinh qua giảng dạy ở Cao đẳng và Đại học. Đặc biệt là để chuẩn bị cho việc nâng cấp của trường, từ năm 1993 được sự đồng ý của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT với tầm nhìn chiến lược đã chỉ đạo mở hai lớp Thạc sĩ Văn, Toán, cho giáo viên trường Sư phạm và các trường THPT của tỉnh do Trường ĐHSP Hà Nội đào tạo. Đây là yếu tố quan trọng để đảm bảo cho nhà trường trong việc tổ chức đào tạo, hoạt động giảng dạy ở hệ đại học sau này.

* Về nhu cầu giáo viên của tỉnh: Hàng năm giáo dục Hòa Bình cần 1.200 giáo viên các ngành học; trong đó Giáo dục Mầm non, Tiểu học, THCS là 1.000 giáo viên.

* Cơ sở vật chất: Diện tích nhà trường sử dụng 4.7ha. Nhà trường đã có thư viện khoảng 2 vạn bản chủ yếu là giáo trình, sách tham khảo cho các hệ đào tạo. Phòng thí nghiệm Lý, Hóa ,Sinh, Kĩ thuật công nghiệp, phòng học tiếng Anh, Giảng đường, sân chơi, bãi tập, phòng làm việc, đủ giảng đường để tổ chức học tập cho sinh viên, đủ chỗ ở kí túc xá cho sinh viên.

* Nguồn tuyển sinh: Hàng năm nhu cầu đăng kí vào học các ngành sư phạm trong nhà trường tăng nhanh.

Riêng hệ CĐSP:

- Năm 1993 có 800 học sinh đăng kí dự thi , tuyển 147 sinh viên.

- Năm 1994 có 1.100 học sinh đăng kí dự thi, tuyển 115 sinh viên.

- Năm 1995 có 1.600 học sinh đăng kí dự thi, tuyển 200 sinh viên.

- Ngoài ra hệ THSP hàng năm cũng tuyển sinh từ 250-300 học sinh.

- Năm học 1994-1995 tổng số học sinh, sinh viên các hệ nhà trường là 1.450; cán bộ giảng viên là 117 người.

- Đội ngũ lãnh đạo và CBQL: Giám hiệu, phòng, khoa đều đã kinh qua công tác quản lý trong các trường chuyên nghiệp từ 10 năm trở lên.

Đề án được thông qua Sở GĐ&ĐT Hòa Bình, UBND tỉnh Hòa Bình và được trình Bộ GD&ĐT.

Ngày 11/4/1995 Bộ DG&ĐT thành lập đoàn kiểm tra gồm: Văn phòng Chính phủ, UBKH nhà nước, Các vụ chức năng của Bộ, UBND tỉnh Hòa Bình, Sở GD&ĐT Hòa Bình. Đoàn đã thành lập biên bản trình Chính phủ phê duyệt đề án nâng cấp trường thành trường CĐSP Hòa Bình.

Những yếu tố như: nhu cầu về đội ngũ giáo viên Tiểu học, Trung học cơ sở, Mầm non cho ngành giáo dục của tỉnh, đội ngũ giảng viên của trường, nhu cầu học tập của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, điều kiện tuyển sinh, cơ sở vật chất nhà trường, đã hội tụ điều kiện để trở thành trường CĐSP.

Ngày 25 tháng 9 năm 1995, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 602/TTg nâng cấp trường THSP Hòa Bình thành trường CĐSP Hòa Bình cùng với các trường CĐSP Quảng Bình, CĐSP Phú Yên.

: