• Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Lịch sử phát triển

 2. Thời kỳ Khu học xá 1960 -1964

 Đại hội lần thứ III của Đảng năm 1960 định rõ hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà ở miền Nam. Miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng kinh tế chi viện cho miền Nam đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược.

Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất 1960 -1965 ra đời là điều kiện, cơ sở để miền Bắc phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục. Xây dựng chủ nghĩa trước hết phải phát triển giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân.

Tháng 10/1961, Khu học xá được thành lập. Đây là một sáng tạo của ngành Giáo dục tỉnh Hòa Bình dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBHC tỉnh,Ty Giáo dục. Khu học xá là hội tụ của ba đơn vị: Trường Sư phạm Sơ cấp; Trường Sư phạm cấp II; Trường phổ thông cấp 3 Hoàng Văn Thụ. Hầu hết các giáo viên ở đây trẻ, khỏe, nhiệt tình tiêu biểu cho đội ngũ tri thức của Hòa Bình. Có thể nói đây là một trung tâm giáo dục của tỉnh mà nhiệm vụ trọng tâm là đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.

Các thầy giáo Đoàn Hùng, Đinh Ý Mẹo …lần lượt lãnh đạo khu học xá. Ban chi ủy chi bộ đầu tiên  do đồng chí Đinh Ý Mẹo là bí thư chi bộ; phó bí thư là các đồng chí: Lê Văn Hạnh, Đoàn Thế Dung. Phụ trách đoàn thanh niên lao động là đồng chí Lê Bật.

Trường Sư phạm Sơ Cấp được chuyển từ Bến Ngọc lên, hệ đào tạo được nâng lên 4+3 năm. Thầy giáo Nguyễn Văn Na được phân công phụ trách Sư phạm cấp I.

Trước yêu cầu và nhiệm vụ mới, Ty giáo dục Hòa Bình điều một đội ngũ các thầy giáo là hiệu trưởng các trường cấp II đã kinh qua giảng dạy đó là các thầy giáo: Phạm Đình Cừ ở thị xã, Bạch Kim Khánh ở Yên Thủy, Thầy Giao ở Dân Hạ… về công tác tại khu học xá nhằm tăng cường đội ngũ giáo viên và nâng cao chất lượng đào tạo. Những giáo viên có chuyên môn giỏi, nhiệt tình, vừa có công đóng góp xây dựng các phòng chuyên môn nhà trường tại khu học xá như các thầy cô giáo: Nguyễn Bạch Đằng, Kiều Thể, Hồ Xuân Khai, Nguyễn Ngọc Đường, Ngô Tiến Lợi, Nguyễn Ngọc Oánh, Lê Thước, Vũ Thị Vân…

Hòa chung với không khí đi lên của đất nước, những thành công bước đầu của kế hoạch năm năm lần thứ nhất đã vang động sâu sắc vào nhà trường. Hoạt động chuyên môn của các bộ phận Khu học xá thời kì này được khởi sắc và mang màu sắc mới. Phong trào thi đua “ dạy tốt học tốt” trong trường được triển khai sâu rộng và có hiệu quả. Lãnh đạo Ty Giáo dục thường xuyên quan tâm động viên vì đây là cơ sở đào tạo duy nhất có bề thế và đội ngũ trí thức đông đảo là tiền đề phát triển có tính chiến lược cho giáo dục Hòa Bình.

3. Thời kỳ 1965 -1970

Năm 1964, giặc Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc, chiến tranh ngày càng ác liệt. Một mặt, miền Bắc tiếp tục huy động sức người, sức của cho miền Nam, mặt khác vẫn phải duy trì phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục. Chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ngày càng lan rộng, Hòa Bình cửa ngõ của vùng Tây Bắc không tránh khỏi những ngày tháng mưa bom bão đạn do kẻ thù gây ra. Giặc Mỹ tập trung đánh phá các đô thị, cầu cống, huyết mạch giao thông, nhà máy, hầm mỏ, cơ quan, xí nghiệp, trường học, nơi tập trung đông dân cư…Để đảm bảo vừa sản xuất, vừa chiến đấu và học tập, đảm bảo an toàn cho các trường học, phân hiệu Sư phạm cấp I thuộc Khu học xá phải sơ tán về xóm Nhả, xã Hợp Thành, huyện Kỳ Sơn.

Lại một lần nữa chuyển trường. Chuyển trường trong thời bình là điều vất vả, trong thời kì chiến tranh phá hoại còn vất vả hơn nhiều. Lần này, thầy trò nhà trường lại một lần nữa đồ đạc, chăn màn, dụng cụ học tập… di chuyển đến nơi học mới. Bắt tay làm lại từ đầu, lại những nếp nhà tranh tạm bợ làm chỗ ở, chặt cây rừng làm những phòng học tạm thời, đào hầm để tránh máy bay của giặc… rừng núi Hợp Thành lại vang lên nhịp sống của các thầy cô giáo trẻ và giáo sinh của hai trường Sư phạm cấp I, Sư phạm cấp II.

Giai đoạn này đồng chí Đỗ Hữu Nam - được giao nhiệm vụ- Phó hiệu tưởng phụ trách trường.

Năm 1966 tỉnh hòa Bình đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch Bổ túc văn hóa 5 năm: 1961 -1965 và được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhì.

Nhiệm vụ chủ yếu của nhà trường giai đoạn này là : đào tạo giáo viên cấp I cho tỉnh theo hai hệ là 4+3 và 7+1. Ngoài ra còn làm nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên cấp I theo tiêu chuẩn trung học hoàn chỉnh 7+2.

Đầu năm học 1966-1967, đồng chí Nguyễn Văn Thu, trưởng Ty giáo dục, Bí thư đảng bộ giáo dục Hòa Bình cử đồng chí Trần Mạnh Hòa – cán bộ quản lý Ty giáo dục, đảng ủy viên đảng bộ giáo dục Hòa Bình – tăng cường cho khối sư phạm. Đồng chí Trần Mạnh Hòa về làm Phó hiệu trưởng phụ trách trường cấp I, thay đồng chí Đỗ Hữu Nam – phó hiệu trưởng đi học lớp chính trị. Đồng chí Phạm Vân – Thư kí hội đồng nhà trường. Đến tháng 12/1967 đồng chí Trần Mạnh Hòa làm hiệu trưởng trường Sư phạm Cấp I, đồng chí Bùi Hạnh Dẩn làm phó hiệu trưởng.

Vừa học, vừa xây dựng trường, đầu năm 1967 lãnh đạo Ty Giáo dục Hòa Bình cho trường Sư phạm cấp I được tháo dỡ 2 nhà gỗ, mỗi nhà rộng năm gian ở khu học xá ( phố Đúng) về xây dựng hội trường. Những cây, que, cột, kèo đã được thầy trò dỡ ra, đóng bè xuôi sông Đà về Hợp Thành, chuyển lên xóm Nhả xây dựng hội trường, giáo sinh ( phần lớn là thạo công việc) đã tự dựng lại 5 ngôi nhà gian. Các lớp đã tổ chức đi cắt gianh, lấy nứa bán lại cho nhà trường để gây quỹ lớp.

Trong hoàn cảnh chiến tranh, sinh hoạt của thầy giáo và giáo sinh vô cùng thiếu thốn. Với suất học bổng hàng tháng ít ỏi, đời sống hàng ngày của giáo sinh chỉ là hai bữa cơm đạm bạc, cơm độn ngô, sắn, thức ăn thường là bí đỏ, rau muống do tăng gia được. Ngoài ra còn phải tự túc đèn, dầu, giấy mực, cuối khóa còn phải chi phí cho cả kì thực tập kéo dài hàng tháng tại các trường cấp I ( kể cả huyện vùng cao) trong tỉnh.

Về tổ chức nhà trường :

* Năm học 1967 -1968 :

   Hiệu trưởng : Đồng chí Trần Mạnh Hòa

   Phó Hiệu Trưởng : Đồng chí Bùi Hạnh Dẩn

   Thư kí hội đồng : Đồng chí Đinh Công Tú

* Năm học 1969 – 1970

   Hiệu trưởng : Đồng chí Trần Mạnh Hòa

   Phó Hiệu Trưởng :

  1. Đồng chí Phan Văn Uyển
  2. Đồng chí Nguyễn Văn Đích
  3. Đồng chí Bùi Hạnh Dẩn

  Thư kí hội đồng : Đồng chí Nguyễn Bá Biên

Tháng 2 năm 1970 đồng chí Trần Mạnh Hòa chuyển về Ty Giáo dục công tác, đồng chí Phan Văn Uyển làm hiệu trưởng. Phó hiệu trưởng là các đồng chí Nguyễn Văn Đích, Đồng chí Bùi Hạnh Dẩn, Đồng chí Trần Đăng Long.

Các tổ chuyên môn từ 1966- 1970:

Đội ngũ giáo viên nhà trường năm 1966 là 22 đồng chí, đến năm 1970 là 36 đồng chí. Được chia thành 2 tổ:

- Tổ Khoa học xã hội: Do đồng chí Nguyễn Bản làm tổ trưởng.

- Tổ Khoa học tự nhiên: Do đồng chí Nguyễn Đình Dinh làm tổ trưởng.

Bộ phận phục vụ năm 1966 là 6 đồng chí, đến năm 1970 là 12 đồng chí. Được chia thành 2 tổ:

- Tổ chức- Hành chính- Quản trị: Đồng chí Phạm Ngọc Hà làm tổ trưởng

- Tổ nhân viên phục vụ: Đồng chí Phạm Minh làm tổ trưởng

Ngoài ra, từ năm học 1969-1970 trở đi có thêm cán bộ chuyên trách công tác Đảng trong trường là đồng chí Nguyễn Bá Cầm; cán bộ chuyên trách công tác Đoàn thanh niên là đồng chí Phùng Thị Trường.

Về hoạt động chuyên môn:

* Về quy mô và nghành đào tạo của trường giai đoạn này:

Tổng số giáo sinh qua từng năm học :

+ Năm học 1966-1967 là 6 lớp với 270 giáo sinh hệ 4+3

+ Năm học 1967-1968 là 8 lớp với 350 giáo sinh hệ 4+3

+ Năm học 1968+1969 là 8 lớp với 350 giáo sinh hệ 4+3 và 2 lớp với 60 giáo sinh hệ 7+1

+ Năm học 1969-1970 là 10 lớp với 410 giáo sinh hệ 4+3; 2 lớp với 54 giáo sinh hệ 7+1; 2 lớp Trung học hoàn chỉnh 7+2 với 60 giáo sinh.

* Tổng cộng của năm học 1969-1970 là 524 giáo sinh. Trong đó 50-60% là giáo sinh người dân tộc thiểu số.

Đội ngũ giáo viên được ngành chọn lọc về giảng dạy tại trường là những thầy cô giáo tương đối lâu năm, có kinh nghiệm, đã kinh qua giảng dạy ở cấp I. Một số thầy cô giáo được đào tạo chính quy theo hệ chuẩn của Bộ Giáo dục tại thời điểm đó ( Giáo viên cấp II hệ 10+2) được điều động về trường đó là các thầy cô: Ngô Huy Túc, Lương Quỳnh Khuê, Nguyễn Hữu Nga, Hoàng Minh Phương, Đậu Đinh Khôi, Nguyễn Đình Tự, Lê Thanh Tùng, Phùng Văn Điển, Nguyễn Bá Kiên…

Một số thầy cô giáo dạy lâu năm có kinh nghiệm cũng được tăng cường cho Sư phạm: Lương Hữu Cận, Kiều Thông, Nguyễn Đình Quảng, Nguyễn Trọng Chới, Nguyễn Ngọc Sinh.

Ngoài ra, có một số thầy cô giáo đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm, trường Chính trị ,Bộ Giáo dục cũng được điều động về công tác tại trường: Phan Văn Uyển, Nguyễn Văn Đích, Trần Đăng Long, Vũ Thị Lý, Hoàng Cầm…

Hội đồng sư phạm nhà trường gồm đông đảo các thầy cô giáo ở Nghệ an, Thanh Hóa, Nam Định, Hà Đông, Ninh Bình, lên cồng tác ở miền núi Hòa Bình và các thầy cô giáo sở tại gồm:

- Các thầy cô giáo Tổ khoa học xã hội; Trần Mạnh Hòa, Bùi Hạnh Dẩn, Trần Đình Khánh, Nguyễn Bản, Lương Thị Ngọc A, Nguyễn Doãn Tịnh, Hà Tri…

- Các thầy cô giáo tổ khoa Tự nhiên: Phạm Vân, Nguyễn Đình Dinh, Đinh Công Tú, Nguyễn Trần Toại, Nguyễn Vôn, Nguyễn Thiếu Mai….

Với đội ngũ giáo viên đông đảo, nhiều đồng chí được đào tạo chuẩn là điều kiện để nhà trường nâng cao hoạt động chuyên môn, nâng cao chất lượng giảng dạy.

Coi nhiệm vụ chuyên môn kết hợp với lao động sản xuất là nhiệm vụ hàng đầu của nhà trường, trong những năm 1966-1970 thầy trò nhà trường đã không ngừng cải tiến phương pháp, kế hoạch đào tạo. Các thầy cô giáo tích cực thi đua giảng dạy, dự giờ thăm lớp, trao đổi kinh nghiệm. Hoạt động này diễn ra thường xuyên tạo thành nề nếp góp phần nâng cao trình độ chuyên môn cho từng giáo viên, nhất là giáo viên có ít năm giảng dạy, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo giáo sinh.

Tập thể các thầy cô giáo đã đầu tư thích đáng, dầy công tìm tòi, nghiên cứu, sưu tầm để có nhiều tư liệu bổ ích làm cho các buổi lên lớp cũng như báo cáo về xã hội, tự nhiên đạt kết quả tốt.

Phong trào thi đua “Hai tốt” luôn là động lực thúc đẩy phong trào học tập của giáo sinh nhà trường. Lãnh đạo nhà trường cũng như các thầy cô giáo, giáo viên chủ nhiệm, các giáo viên bộ môn luôn luôn thể hiện sự quan tâm, tấm lòng ưu ái của mình đối với giáo sinh. Nhiều đồng chí giáo viên không quản ngày đêm luôn đi sát giáo sinh động viên, nhắc nhở, chỉ đạo, uốn nắn… để các em khắc phục những khó khăn của bản thân và gia đình, của nhà trường yên tâm học tập.

Có những kỷ niệm về những ngày ở trường thật là cảm động: Lũ lụt, nhà trường hết gạo không thể đi xuống kho lương thực chợ Thầy lấy gạo được ( chỉ cách có vài cây số nhưng thời đó, đường sá khó đi, phải đi qua 9 cái cầu khỉ mới đến chợ Thầy). Toàn trường nhịn đói phải ăn sắn nhờ dân. Sau đó, trường huy động giáo sinh đi bộ, lội qua nước lũ ngập lụt xống kho lương thực chợ Thầy đựng gạo vào những ống quần vận chuyển về trường.

Ngoài việc lên lớp giờ chính khóa, các buổi tối, dưới ánh đèn dầu, thầy trò nhà trường đã có những buổi ngoại khóa nhằm bổ sung kiến thức cho giáo sinh: Như buổi báo cáo về Diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ của cô giáo Lê Thị Ngọc A nhân dịp kỉ niệm 13 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-1967); báo cáo ngoại khóa nhân kỷ niệm lần thứ 50 cách mạng tháng 10 Nga (1917-1967) của thầy giáo Trần Mạnh Hòa – Hiệu trưởng nhà trường; báo cáo ngoại khóa giới thiệu “Truyện kiều” của Nguyễn Du, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi đã được các thầy cô giáo tổ Xã hội tổ chức thành công.

Ngay những năm đầu trường sơ tán về Hợp Thành, năm 1967-1968, phong trào thi đua “Hai tốt” của trường đã gặt hái được thành tích rất đáng tự hào: các thầy cô giáo trong Hội đồng giáo viên đã được Hội đồng thi đua khen thưởng toàn ngành giáo dục đề nghị lên Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh Hòa Bình xét duyệt và công nhận là Tổ lao động Xã hội chủ nghĩa. Đây là tổ Lao động Xã hội chủ nghĩa đầu tiên và duy nhất của ngành Sư phạm tỉnh Hòa Bình. Thầy giáo Trần Mạnh Hòa được công nhận danh hiệu: “ Chiến sĩ thi đua ngành Giáo dục Hòa Bình”.

Giáo sinh sau khi ra trường đều công tác tốt, hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy ở các trường; một số anh chị em sau này đã thành những giáo viên giỏi; một số đi học nâng cao trình độ; một số trở thành cán bộ quản lý ở các trường tiểu học, THCS, làm công tác chuyên môn ở các phòng Giáo dục. Có đồng chí chuyển ngành công tác Đảng, chính quyền, quân đội…Tiêu biểu có các đồng chí: Bùi Minh Thơ- nguyên là Hiệu trưởng trường Quân sự tỉnh Hòa Bình; đồng chí Bùi Văn Hợp – nguyên là Phó Ban dân vận Tỉnh ủy Hòa Bình…Những năm tháng ác liệt của chiến tranh, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, nhiều giáo sinh  đã tình nguyện lên đường vào nam chiến đấu, nhiều người sau ngày thống nhất đất nước trở lại trường học tập. Có những người mãi mãi không trở về. Trong số ấy có giáo sinh: Liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang Bùi Văn Nê xã Hưng Thi, huyện lạc Thủy.

*Hoạt động của các tổ chức chính trị, đoàn thể trong trường

- Tổ chức Đảng:

- Sau khi tình hình nhà trường ổn định tháng 12/1966 chi bộ nhà trường chính thức đại hội. Đồng chí Trần Mạnh Hòa được bầu làm Bí thư chi bộ. Đến tháng 2 năm 1970 đồng chí Trần Mạnh Hòa chuyển về Ty Giáo dục, đồng chí Nguyễn Văn Đích làm Bí thư chi bộ. Lúc đầu chi bộ có 7 đảng viên, sau 4 năm, chi bộ nhà trường đã có 12 đảng viên.

- Trong quá trình lãnh đạo nhà trường 1966-1970, chi bộ đảng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của từng năm học. Lãnh đạo chính quyền và các đoàn thể (công đoàn, đoàn thanh niên lao động) hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đoàn, động viên được thầy và trò thi đua học tốt, lãnh đạo chính quyền, công đoàn, đoàn thanh niên tổ chức các hình thức lao động công ích có hiệu quả. Trong 4 năm, đã xét và đề nghị kết nạp được 8 đảng viên mới (trong đó 3 đồng chí là giáo viên; 5 là giáo sinh).

- Công đoàn: Tổ chức công đoàn nhà trường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và chương trình công tác của Ban thường vụ công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Hòa Bình. Động viên công đoàn viên tham gia tích cực các hoạt động thi đua “ Dạy tốt, học tốt”, “Trồng cây gây rừng”.

- Đoàn thanh niên lao động:

Đoàn thanh niên dưới sự chỉ đạo của đồng chí Vũ Đức Kiên, cán bộ chuyên trách đoàn, phụ trách đoàn trường đã tổ chức cho anh chị em giáo sinh vừa học, vừa tham gia lao động sản xuất cải thiện đời sống, góp phần nhà trường là nhiệm vụ của Đoàn thanh niên lao động nhà trường. Đoàn thanh niên đã phát động những đợt thi đua học tập, lao động, tu dưỡng rèn luyện theo từng chủ đề trong các dịp kỉ niệm những ngày những ngày lễ lớn trong trong năm.

Tổ chức lễ kết nạp đoàn viên mới tại hiện trường khai thác nứa.

Trong ba năm từ 1965 đến 1968 đoàn thanh niên đã huy động đoàn viên trồng 20ha rừng bạch đàn tại các đồi trọc xã Hợp Thành.

Năm học 1968-1969 xin ruộng của xã Hợp Thành cấy lúa, thu hoạch được 3 tấn thóc, đã ủng hộ cho bà con xóm Nhả, xã Hợp Thành 1 tấn để cứu đói.

Từ năm học 1966-1968, mỗi năm đoàn viên thanh niên của trường đã tổ chức lao động dựng được thêm 2 ngồi nhà cho các giáo sinh mới nhập trường.

*Các hoạt động khác:

- Công tác thi đua: Tùy tình hình thực tế, nhà trường đã phát động các đợt thi đua ngắn ngày theo chủ đề cụ thể: Phong trào thi đua “ Học tập điển hình, vươn lên tiên tiến” ; Phong trào “Noi gương các anh hùng, dũng sĩ diệt Mỹ, quyết tâm phấn đấu đạt giáo sinh giỏi” đã được toàn thể cán bộ giáo viên, giáo sinh nhà trường hưởng ứng tham gia tạo nên không khí thi đua sôi nổi trong trường.

- Hoạt động văn nghệ, thể thao: Ban văn nghệ nhà trường thành lập, thu hút các thầy giáo, cô giáo, giáo sinh tham gia. Không loa đài, không trang âm, không có phông màn, trang phục…tất cả đều do các thầy cô và giáo sinh tự trang trí bằng những dụng cụ và vật liệu tự tạo hiện có với những dụng cụ và vật liệu tự tạo hiện có với những dụng cụ âm nhạc hết sức đơn sơ: Accodeon, Măng do luyn, vài cây sáo trúc, hóa trang tự túc, kịch bản tự soạn, tự dàn dựng. Nhưng những buổi sinh hoạt văn nghệ thật sự vui vẻ, sôi nổi. Các buổi văn nghệ như vậy thu hút đông đảo nhân dân các Hợp Thành, Hợp Thịnh, Dân Hạ, Phú Minh đến xem và cổ vũ.

Thầy Hà Tri, giáo viên âm nhạc đã có nhiều công sức dàn dựng những tiết mục âm nhạc đặc sắc từ đơn giản như: đơn ca, đồng ca, cho đến các tiết mục phức tạp hơn như: đồng ca, hợp xướng. Thầy Tri đã cùng các giáo viên, giáo sinh của trường đã dày công luyện tập, dàn dựng để có những đêm văn nghệ nội bộ, tạo được không khí hân hoan, phấn khởi trong những ngày lễ khai giảng, tổng kết thực tập, bế giảng năm học và các ngày kỉ niệm lớn trong năm. Các buổi văn nghệ với các tiết mục phong phú như đơn ca, tốp ca, múa Lào, Khome…, các vở kịch ngắn “Ngọn lửa” của Nguyễn vũ , vở kịch dài nước ngoài “ Ê-Dốp” đã được các thầy Hà Tri, Ngô Huy Túc, Nguyễn Bản, Nguyễn Thiếu Mai, Phùng Văn Điển, dàn dựng gây nhiều ấn tượng. Có những vai diễn gây nhiều ấn tượng như vai Kim Đồng trong vở kịch “Em bé giao liên” đã đọng lại trong tâm tưởng thầy và trò hàng chục năm sau.

Thông tin tuyên truyền cũng hết sức sinh động. Cả trường chỉ có một chiếc đài Orionton, tổ tuyên truyền của nhà trường sau nghe tin chiến thắng trên đài, đêm đêm đi đến từng cụm dân cư phát lại tin chiến thắng cho nhân dân và giáo sinh nghe.

Nhà trường đã vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo Bộ Giáo dục về thăm trường.

- Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên về thăm trường năm 1968.

- Thứ trưởng Hồ Trúc về thăm trường năm 1969.

- Vụ trưởng Vụ Sư phạm Dương Xuân Nghiên về thăm trường năm 1969.

- Ngoài ra, trường còn tổ chức đón tiếp Đoàn đại biểu cộng hòa dân chủ Đức đến thăm trường.

: