• Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Lịch sử phát triển

II. TRƯỜNG SƯ PHẠM BỒI DƯỠNG (1967-1977)

Mặc dù miền Bắc đang thời kì chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ nhưng trước yêu cầu và nhiệm vụ của ngành Giáo dục Hòa Bình đặt ra là nâng cao trình độ quản lý, lãnh đạo của các đội ngũ cán bộ quản lý của trường cấp I, cấp II trong tỉnh.

Năm 1967, trường Sư phạm Bồi dưỡng chính thức được thành lập.

Địa điểm của trường đặt tại xóm Bái Yên, xã Dân Chủ, huyện Kỳ Sơn (nay là TP Hòa Bình). Thời kỳ này trường có hai nhiệm vụ chính.

Bồi dưỡng văn hóa, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên cấp I để có trình độ tương đương văn hóa lớp 10. Thời gian bồi dưỡng là một năm.

- Bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý cho hiệu trưởng, hiệu phó các trường cấp I và cán bộ quản lý giáo dục. Thời gian bồi dưỡng là 4 tháng.

- Ngày 20 tháng 12 năm 1967, Ty Giáo dục điều đồng chí Nguyễn Đăng Huệ - Phó phòng chuyên môn Cấp I về làm hiệu trưởng.

Những năm sau là các đồng chí Nguyễn Ngọc Đường, Phan Văn Uyển.

Từ 1975-1977, đồng chí Phạm Đình Cừ làm Hiệu trưởng.

Các đồng chí hiệu phó là: đồng chí Đinh Công Quỳnh, đồng chí Phan Đức, đồng chí Nguyễn Văn Chí.

Về đội ngũ giáo viên: Lúc đầu, trường chỉ có 5 giáo viên, 4 cán bộ. Năm sau số giáo viên là 8 người; cán bộ là 6 người.

Năm 1971, trường chuyển về khu Bồi dưỡng (trước cổng trường CĐSP Hòa Bình ngày nay). Đến 1975 chuyển về Ty Kiến thức (cũ), nay là tổ 16 phường Chăm  Mát. Năm 1977 trường nhập về Sư phạm cấp IB.

Trong những năm nay, nhà trường có thêm nhiệm vụ là vừa bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, vừa Bồi dưỡng hệ Trung học hoàn chỉnh cho giáo viên cấp I học hệ 4+3,7+1 trước đây. Hàng năm, nhà trường đã bồi dưỡng được từ 100-150 học viên, những năm sau, số lượng học viên được bồi dưỡng ngày càng tăng do nhu cầu bồi dưỡng ngày càng cao.

Cũng như các trường sư phạm khác trong tỉnh, trường Sư phạm Bồi dưỡng cũng phải chịu ngững thử thách khắc nghiệt; chiến tranh, sơ tán, thiếu thốn…Đây là một loại hình trường mới, nhiều hệ, lại chưa có đội ngũ giáo viên thực sự được đào tạo quản lý. Các thầy cô giáo phải “độc lập tác chiến”, chủ yếu là từ kinh  nghiệm và thực tiễn đồng thời nghiên cứu những tài liệu hiếm hoi tìm được để biên soạn tài liệu giảng dạy và tài liệu học tập cho học viên. Trong hoàn cảnh đó, trường phải khắc phục, vươn lên để hoàn thành nhiệm vụ.

Công tác bồi dưỡng là một nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục – Đào tạo trong những năm chiến tranh ác liệt cũng như sau này. Tại thời điểm đó, công tác bồi dưỡng không chỉ có bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý mà còn bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên nhằm vừa cập nhật kiến thức, vừa nâng cao tay nghề, vừa quán triệt phương châm giáo dục của Đảng và Nhà nước ta trong từng giai đoạn. Trường bồi dưỡng đã đóng góp một phần rất quan trọng cho ngành sư phạm của GD-ĐT Hòa Bình. Có thể trích một nhận định sau đây viết về trường Sư phạm Bồi dưỡng trong cuốn; “Giáo dục Hòa Bình 50 năm xây dựng và phát triển in năm 1995, để thấy rõ vai trò của nhà trường trong một giai đoạn giáo dục của mình:

“Công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý và giáo viên rất được chú trọng. Mặc dù trong hoàn cảnh chiến tranh phá hoại nhưng các lớp học bồi dưỡng giáo viên được tổ chức một cách rất nghiêm túc, có chất lượng. Trường Sư phạm bồi dưỡng đã đóng góp một phần tích cực trong công tác này”

III. TRƯỜNG SƯ PHẠM MẪU GIÁO (1966-1978)

Đầu những năm 60 của thế kỉ trước, theo thống kê của Sở GD&ĐT Hòa Bình, số học sinh nhà trẻ, mẫu giáo là 10.165 cháu. Số giáo viên nhà trẻ, mẫu giáo toàn tỉnh là 302 (1964). Số giáo viên này một số chưa qua đào tạo, một số được đào tạo từ các lớp huấn luyện nghiệp vụ mẫu giáo, nhà trẻ ngắn hạn do Ty Giáo dục mở từ năm 1963-1964. Địa điểm tại Chăm (đường Bộ 2 ngày nay).

Nhu cầu đòi hỏi phát triển ngành học này cần một số lượng giáo viên được đào tạo bài bản, có kiến thức, nghiệp vụ Mẫu giáo để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ ngày càng bức thiết, Xuất phát từ thực tiễn đó, năm học 1965-1966 trường Sư phạm Mẫu giáo được thành lập. Nhiệm vụ của trường là vừa đào tạo tại trường, vừa mở các lớp ngắn hạn tại các huyện (thị ) để bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên Mầm non.   

Địa điểm trường đặt tại xóm Nhả, xã Hợp Thành, huyện Kỳ Sơn. Hiệu trưởng là đồng chí Nguyễn Thị Danh, hiệu phó là đồng chí Nguyễn Thị Quy.

Mỗi năm, trường tuyển sinh khoảng 100 giáo sinh, đào tạo 6 tháng hoặc 1 năm. Hệ đào tạo sơ cấp 4+1, có năm đào tạo 7+1.

Năm 1967-1968 trường chuyển về địa điểm: xóm Bái Yên xã dân Chủ.

Đồng chí Nguyễn Thị Quy làm Hiệu trưởng: Đến 1969 đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Mai làm hiệu trưởng.

Năm 1970, trường chuyển sang khu dốc Son xã Hòa Bình ( gần đồi Bảy Mẫu bờ trái sông Đà). Hiệu trưởng là đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Mai.

Đội ngũ cán bộ, giáo viên thời kì này khoảng 20 người. Đào tạo hàng năm khoảng 100 giáo sinh.

Năm 1974, trường chuyển về Ty Xây dựng cũ (nay là tổ 16, phường Chăm Mát, TP Hòa Bình).

Năm 1976, nhập tỉnh thành Hà Sơn Bình, trường có tên là trường Sư phạm Mẫu giáo B Hà Sơn Bình.

Thời kì này, đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Mai làm hiệu trưởng, đồng chí Đinh Thị Châu làm hiệu phó. Đội ngũ cán bộ giáo viên khoảng 15 người.

Về đào tạo, mỗi năm trường tuyển sinh đào tạo giáo viên Mẫu giáo khoảng 100 giáo sinh.

Năm 1978, trường nhập với trường Mẫu giáo Xuân mai thành trường TH Sư phạm Mẫu giáo Hà Sơn Bình.

11 năm tồn tại và phát triển của trường, dù trong hoàn cảnh nào trường Sư phạm Mẫu giáo cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Trường đã cung cấp cho ngành giáo dục  Mầm non Hòa Bình một đội ngũ giáo viên với số lượng khoảng 1.200 người, đáp ứng một phần tình trạng thiếu giáo viên Mẫu giáo của tỉnh. Chính đội ngũ giáo sinh ra trường hàng năm là điều kiện quyết định đến sự phát triển ngành học Mầm non những năm 60-80 của thế kỉ trước. Đội ngũ này, khi ra trường về trực tiếp giảng dạy tại các lớp, trường Mầm non trên toàn tỉnh, tính đến năm 1975, đã huy động được hơn 18.000 cháu ra lớp, đến tháng 10 năm 1991(lúc tái lập tỉnh) là 24.634 cháu.

: