• Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tập huấn "Bồi dưỡng kỹ năng dạy học Hòa nhập, kỹ năng quản lý hành vi trẻ khuyết tật trong lớp hòa nhập"

Nhằm tiếp tục củng cố và nâng cao kiến thức, năng lực cho đội ngũ giáo viên mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở của cơ sở thực hành GDMN Hoa Sen, trường Phổ thông thực hành Chất lượng cao Nguyễn Tất Thành trực thuộc trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình về giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật, ngày 21/10/2018, tại nhà 200 chỗ trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình diễn ra tập huấn “Bồi dưỡng kỹ năng dạy học Hòa nhập, kỹ năng quản lý hành vi trẻ khuyết tật trong lớp hòa nhập”.

Báo cáo viên TS Bùi Thế Hợp – Giảng viên Khoa Giáo dục Hòa nhập trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Đại biểu có đồng chí Nguyễn Thị Lệ Hường – Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình; các thầy cô giáo của Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục Hòa nhập, các thầy cô giáo giảng dạy trực tiếp tại Cơ sở Thực hành GDMN Hoa Sen, trường Phổ thông thực hành Chất lượng cao Nguyễn Tất Thành.

(TS Bùi Thế Hợp – giảng viên Khoa Giáo dục Hòa nhập trường Đại học Sư phạm Hà Nội)

Mục tiêu của lớp nhằm nâng cao kiến thức về đặc điểm tâm lý lứa tuổi của học sinh hoà nhập và kỹ năng giáo dục và dạy học của giáo viên đối với học sinh là trẻ hoà nhập. TS Bùi Thế Hợp đã lên lớp với các nội dung: Khái niệm trẻ khuyết tật; một số vấn đề cơ bản về giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật; quy trình giáo dục hoà nhập, trẻ khuyết tật; dạy học hoà nhập trẻ khuyết tật; tổ chức giáo dục trẻ khuyết tật. Trong bài giảng, TS Bùi Thế Hợp luôn nhắc nhở giáo viên cần có thái độ tôn trọng, bình đẳng với trẻ khuyết tật, tạo môi trường thân thiện trong trường lớp có trẻ khuyết tật hoà nhập. Mục tiêu cơ bản của giáo dục trẻ khuyết tật hoà nhập là sự tin tưởng vào khả năng của bản thân người dạy và cộng động xã hội trong giáo dục. Theo TS Bùi Thế Hợp hiện tại trẻ khuyết tật đang được giáo dục hoà nhập theo những mô hình khác nhau như giáo dục chuyên biệt, giáo dục hội nhập và giáo dục hoà nhập, điều này phụ thuộc chính vào khả năng hoà nhập của trẻ khuyết tật. Việc giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật trên thế giới cũng hướng tới 04 tiêu chí giáo dục của UNESCO là học để biết, học để làm, học để chúng sống và học để làm người. Tuy nhiên, ở Việt Nam còn có nhiều thách thức trong giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật như nhận thức cộng đồng chưa cao, chính sách chế độ còn bất cập, nguồn lực thiếu, chương trình chưa phù hợp, cơ sở vật chất và phương tiện chưa đáp ứng…

Học viên của lớp đã được tiếp cận, phân tích 04 bước cơ bản của quán trình giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật đó là: Tìm hiểu khả năng nhu cầu của trẻ khuyết tật; xây dựng mục tiêu lập kế hoạch giáo dục; thực hiện kế hoạch giáo dục; đánh giá kết quả giáo dục. Trong đó, bước xây dựng mục tiêu lập kế hoạch giáo dục được đánh giá là quan trọng nhất, bước này ảnh hướng và chi phối những bước còn lại trong quá trình thực hiện.

(Các thầy cô giáo giảng dạy tại các đơn vị: Cơ sở thực hành GDMN Hoa Sen, trường Phổ thông thực hành CLC Nguyễn Tất Thành chăm chú lắng nghe)

Trong thời gian học tập, các học viên đã được thực hành cập nhật những tình huống sư phạm thường gặp khi giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật trong nhà trường để cùng thảo luận trao đổi và giải đáp đi đến cách thức xử lý tối ưu nhất có thể.

Lớp bồi dưỡng được tổ chức đúng quy định, đảm bảo được mục tiêu để ra./.

: