• Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM HÒA BÌNH - 60 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

1954, chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, đem lại hòa bình cho đất nước. Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình hân hoan đón mừng chiến thắng và bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới.

Sau 9 năm dồn sức cho chiến tranh vệ quốc, song song với nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội, giáo dục Hòa Bình được các cấp lãnh đạo tỉnh Hòa Bình hết sức quan tâm. Nhu cầu học tập của con em các dân tộc tỉnh Hòa Bình ngày càng cao, đội ngũ các thầy cô giáo trong thời kỳ này vô cùng thiếu, giáo viên là người địa phương rất ít. Tại thời điểm đó, số đông các thầy giáo, cô giáo trên địa bàn tỉnh là các thanh niên tốt nghiệp các trường Sư phạm Liên khu III, các thầy giáo quê ở Hà Đông, Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nội, Ninh Bình, Nghệ An… tình nguyện lên Hòa Bình dạy học. Tuy khó khăn như vậy, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, kể từ ngày đầu thành lập trường Sơ cấp sư phạm (1956) cho đến năm 1995 trải qua bao thăng trầm, khó khăn, chuyển nhiều địa điểm nhằm tránh khỏi những ngày tháng mưa bom bão đạn do đế quốc Mỹ gây ra, các thầy cô vẫn hăng say giảng dạy, đào tạo được đủ số lượng giáo viên đáp ứng đủ nhu cầu cho ngành giáo dục Hòa Bình. Năm 1991, tỉnh Hòa Bình được tái thành lập cũng là lúc ngành GD&ĐT Hòa Bình đứng trước một thực tế: Đội ngũ Giáo viên các ngành học phổ thông thiếu trầm trọng nhất là đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và  cán bộ quản lý chưa đạt chuẩn. Hầu hết đội ngũ giáo viên lúc bấy giờ có trình độ 4+3, 7+3, 10+3 ( 90% giáo viên mầm non ở trình độ Sơ học; 98% giáo viên tiểu học ở trình độ sơ học và trung học hoàn chỉnh; 90% giáo viên trung học cơ sở ở trình độ 7+3 và 10+3) trong khi đòi hỏi của thực tế phải chuẩn hóa đội ngũ để đáp ứng với yêu cầu mới của chương trình giáo dục phổ thông.       Xuất phát từ nhu cầu thực tế đòi hỏi phải có một trường CĐSP đào tạo các loại hình giáo viên chuẩn về trình độ là một nhu cầu bức thiết khách quan của toàn tỉnh. Ngày 25 tháng 9 năm 1995, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 602/TTg nâng cấp trường Trung cấp sư phạm IB Hòa Bình thành trường CĐSP Hòa Bình.

Trong 3 năm đầu, từ 1956 – 1959, mặc dù còn nhiều khó khăn tuy nhiên nhà  trường bắt đầu tuyển sinh để hàng ngày 2 buổi sớm, chiều vừa dạy văn hóa vừa dạy nghiệp vụ sư phạm cho giáo sinh có trình độ lớp 4 trong thời gian 3 tháng, thành giáo viên tiểu học ra dạy lớp 1, lớp 2. Chương trình học tập chủ yếu vẫn là nghiệp vụ. Thầy dạy trò từng bước đi, cách cầm viên phấn, viết bảng, soạn giáo án. Năm 1958 – 1959, phong trào xóa mù chữ trở thành một chiến dịch sôi nổi, rộng khắp và Hòa Bình trở thành tỉnh miền núi đầu tiên hoàn thành công tác xóa mù chữ. Công lao ấy có phần đóng góp không nhỏ của các lớp giáo viên do trường Sư phạm sơ cấp Hòa Bình đào tạo từ 1956 -1959.

Ra đời trong điều kiện khó khăn, gian khổ của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, phát triển gắn liền với thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, trường Sư phạm sơ cấp Hòa Bình, sau này là trường TH Sư phạm Hòa Bình đã phải di chuyển địa điểm tại nhiều địa phương trong tỉnh, và qua nhiều lần tách nhập, tuy nhiên thầy và trò nhà trường luôn đem hết tâm sức của mình làm tốt công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tự bồi dưỡng, các thế hệ sinh viên nhà trường luôn nêu cao ý thức tự giác học tập, rèn luyện tu dưỡng phẩm chất để trở thành những giáo viên mẫu mực sau khi ra trường mang kiến thức đến những vùng sâu, vùng xa tiếp tục làm công tác trồng người, tạo nguồn nhân lực, nhân tài cho quê hương.

Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, hơn 20 năm nâng cấp lên hệ Cao Đẳng, trường đã không ngừng lớn mạnh về quy mô, chất lượng đào tạo, chất lượng đội ngũ. Là một trường CĐSP đa hệ, nhiệm vụ của trường trong giai đoạn này là đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở có trình độ THSP,CĐSP; bồi dưỡng cán bộ quản lý Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, Tổ trưởng các trường Mầm non, Tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu khoa học giáo dục phục vụ cho giảng dạy của giảng viên và học tập của học sinh, sinh viên; liên kết với các trường Đại học nâng chuẩn cho giáo viên, cán bộ quản lý Mầm non, Tiểu học, THCS, có trình độ đại học. Hiện nay, nhà trường duy trì 23 ngành học hệ cao đẳng và 4 ngành học hệ trung cấp. Ngoài công tác đào tạo, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động đoàn thể, văn nghệ, thể thao, tham gia tích cực các phong trào phòng chống tệ nạn xã hội, hiến máu tình nguyện, sinh viên tình nguyện, tạo môi trường sống lành mạnh cho học sinh, sinh viên rèn luyện và phấn đấu trưởng thành. Với những thành tích đó, năm 1995, trường CĐSP Hòa Bình được Nhà nước tặng Huân chương lao động hạng Ba, năm 2006 được Nhà nước tặng Huân chương lao động hàng Nhì. Năm 2010, 2016 nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, và nhiều bằng khen của UBND tỉnh.

Phát huy những kết quả đạt được của nhà trường trong 60 năm xây dựng và trưởng thành. Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường cùng toàn thể CBVC tiếp tục tập trung vào một số định hướng sau đây:

Thứ nhất, triển khai có hiệu quả thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết số 29- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa- hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế;

Thứ hai, phải đoàn kết gắn liền với dân chủ, sáng tạo và đổi mới; đoàn kết nhất trí cao trong đảng, chính quyền, giữa mọi thành viên trong nhà trường sẽ quyết định mọi thành công.

Thứ ba, sức mạnh nội lực là nền tảng, tận dụng thời cơ vượt qua thách thức và tranh thủ sự hỗ trợ của nhà nước, sự ủng hộ của các đơn vị liên kết trong nước và quốc tế nhằm phát triển bền vững.

Thứ tư, phải quan tâm đến chất lượng đào tạo và bồi dưỡng; lấy người học là mục tiêu, động lực phát triển của nhà trường.

Thứ năm, quan tâm đến đời sống vất chất và tinh thần của cán bộ viên chức, học sinh- sinh viên để tạo môi trường giáo dục thân thiện, hấp dẫn người học.

Thứ sáu, tập trung nghiên cứu khoa học gắn với quá trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, đặc biệt là lĩnh vực hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học giáo dục.

Thứ bẩy, đẩy mạnh công tác đảm bảo chất lượng đào tạo và đánh giá ngoài; coi trọng nền nếp kỉ cương trong mọi hoạt động của nhà trường.

Thứ tám, tôn trọng, khuyến khích người học tự do sáng tạo trong môi trường giáo dục hiện đại; coi trọng việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống, kĩ năng nghề nghiệp, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, nhà trường và xã hội;

 Với những định hướng như vậy, Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình tiếp tục khẳng định là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng chất lượng cao đáp ứng với sự phát triển giáo dục và đào tạo trong giai đoạn mới, đồng thời góp phần cung ứng nguồn nhân lực cho tỉnh Hòa Bình và các tỉnh trong khu vực lân cận.

: